Có đi… có lại!

Trong chuyến công du Trung Quốc diễn ra từ ngày 24-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn tái khẳng định quan hệ đối tác thương mại với quốc gia có nền kinh tế số 2 thế giới. 
Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: DPA
Thủ tướng Đức Merkel (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: DPA

Chuyến thăm của bà Merkel cũng là cơ hội để hai bên tìm kiếm chiến lược hợp tác thương mại hiệu quả hơn nhằm đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang trỗi dậy trên toàn cầu. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 11 của bà Merkel từ khi lên làm Thủ tướng Đức năm 2005. Điều này cũng cho thấy rằng trong chính sách đối ngoại của Đức, Trung Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu.
Về quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức, với kim ngạch hàng năm đạt khoảng 187 tỷ EUR (219 tỷ USD), Mỹ  hiện đứng ở vị trí thứ 3. Điểm chung lớn nhất của Đức và Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ, là hai nước đều có thặng dư thương mại với Mỹ rất lớn, với Trung Quốc là thặng dư đến 276 tỷ EUR (323 tỷ USD) trong năm 2017 với Mỹ, còn Đức có thặng dư 50 tỷ EUR (58 tỷ USD). Trong bối cảnh chính quyền Mỹ thúc đẩy các chính sách bảo hộ như thời gian qua thì sự hợp tác Đức-Trung càng trở nên quan trọng hơn với cả hai nước.
Theo Les Echos, khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đe dọa chiến tranh thương mại với rất nhiều quốc gia, trong đó có cả các đồng minh lâu năm, chuyến công du của bà Merkel tới Trung Quốc ngoài mục tiêu chính là siết chặt quan hệ với Bắc Kinh còn nhằm mục đích thuyết phục Bắc Kinh đóng góp một cách đáng kể để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran có nguy cơ đổ vỡ. Cả Đức và Trung Quốc đều là các bên ký kết của thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 và đều có lợi ích trong việc duy trì việc thực hiện thỏa thuận này.
Nhưng Đức nói riêng và châu Âu nói chung đang rơi vào thế khó xử hơn so với Trung Quốc, vì bị kẹt giữa một bên là các lợi ích kinh tế ở Iran với một bên là quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Do vậy, muốn bảo vệ được thỏa thuận hạt nhân và đối phó với các lệnh trừng phạt mà Mỹ nhằm vào Iran thì các nước châu Âu cần phải huy động được sự ủng hộ toàn diện của tất cả các bên, gồm Nga lẫn Trung Quốc.
Tuy nhiên, mối quan hệ đối tác thương mại khăng khít giữa Đức và Trung Quốc vẫn gặp khúc mắc do hai bên chưa thể thống nhất về lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Berlin đang rất thận trọng trước các dự án đầu tư của Bắc Kinh. Lý do nằm ở chỗ dòng đầu tư của Trung Quốc quá tập trung vào các ngành công nghiệp mũi nhọn quan trọng của Đức, như công nghiệp chế tạo robot, năng lượng hay công nghệ ô tô tự hành…, gây ra nhiều lo ngại từ phía Đức về việc sẽ đánh mất ưu thế công nghệ.
Điển hình là vụ  tập đoàn xe hơi Trung Quốc Geely đầu tư vào tập đoàn ô tô hàng đầu của Đức Daimler đầu năm nay và trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler. Lo ngại trước viễn cảnh bị thâu tóm các ngành công nghiệp mũi nhọn, Đức phải siết chặt kiểm soát các dự án đầu tư nước ngoài. Thời gian gần đây, doanh nghiệp Đức còn phàn nàn về các hàng rào vào thị trường Trung Quốc cũng như tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc bị chỉ trích thắt chặt dòng đầu tư từ nước ngoài nhưng lại thâu tóm thế giới. 
Chính vì vậy, trong chuyến công  du, Thủ tướng Merkel cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc thực hiện nguyên tắc “có đi, có lại” nhằm đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng thị trường của nhau 

Tin cùng chuyên mục