Có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Ngày 13-11, Quốc hội sẽ nghe và thảo luận về hàng loạt báo cáo trong lĩnh vực tư pháp, bao gồm Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo phòng chống tội phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo của các cơ quan tư pháp… 

Qua thẩm tra các báo cáo này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Cụ thể, trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Ủy ban Tư pháp nhận xét, năm 2018, số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn. Cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai nhưng chỉ phát hiện 06 trường hợp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017) cho thấy xác minh tài sản, thu nhập chưa thực sự là biện pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.

Đáng lưu ý, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, thời gian qua, tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn chưa đúng quy định. Có trường hợp lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần trong năm, nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng chủ yếu là để tham quan, du lịch, giải quyết chế độ, chính sách.

Có những dự án tổ chức 3 đoàn đi khảo sát, học tập mô hình của nước ngoài nhưng 1 đoàn về không có báo cáo, 2 đoàn có báo cáo nhưng không liên quan đến nội dung khảo sát.

Theo phản ánh của dư luận, báo chí thì tình hình này vẫn đang tiếp tục diễn ra. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua tuy có tăng, song vẫn chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Năm 2018, có 56 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý hoặc đang được xem xét xử lý, trong khi đó, có 472 bị cáo bị tòa án xét xử về các tội danh tham nhũng.

Có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1 Bị cáo Giang Kim Đạt đã phải nhận án tử hình vì tội tham ô hàng trăm tỷ đồng 
Đồng tình với nhận định khái quát của Chính phủ là: “tình hình tham nhũng năm 2018 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp”, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Không chỉ “tham nhũng vặt” mà các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

Theo cơ quan thẩm tra, một thực trạng rất đáng quan tâm là đã xảy ra các vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có những vụ liên quan đến cả cán bộ lãnh đạo, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang; nhiều trường hợp bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận.

Trong khi đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Tin cùng chuyên mục