Cơ chế tự chủ đại học - Cần sát thực tế hơn

Đến nay, dự thảo Nghị định Quy định cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH công lập (gọi tắt là dự thảo) đã trình Chính phủ, tuy nhiên, theo nhận xét của các đơn vị, chuyên gia, dự thảo có nhiều quy định vẫn chưa rõ ràng, còn bất cập và thậm chí nếu đưa vào thực tế sẽ… bóp nghẹt vấn đề tự chủ.  

Nhiều quy định chưa rõ ràng

Dự thảo có đến 11 căn cứ vào các luật hiện hành và một số luật sửa đổi bổ sung, có 6 chương, 22 điều nhưng có nhiều điều, mục quy định rất chung chung và không rõ ràng. 

Tại mục 8 Điều 3, dự thảo quy định các cơ sở GDĐH đảm bảo đủ các điều kiện thực hiện quyền tự chủ được phân loại mức độ tự chủ như sau: mức 1 cơ sở GDĐH tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên; cơ sở GDĐH tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư. Đây là điều bất hợp lý, vì thực tế “tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên” rất khác với “tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên và chi đầu tư”.

Bởi lẽ, tự chủ chi thường xuyên thì dễ tự chủ, nhưng tự chủ chi đầu tư rất khó đến vô cùng khó. Trường ĐH càng phát triển, chi đầu tư cho xây dựng nhà, xưởng đã lớn, nhưng chi mua sắm trang thiết bị như phòng thí nghiệm hiện đại và chuyên sâu (Nano, Hóa - Sinh - Dược, siêu máy tính, Vật lý hạt và Vật lý hạt nhân…) tốn những khoản tiền rất khổng lồ, nếu bằng nguồn tự thu - chi sẽ rất gian khổ và lâu dài. Do đó, việc nhập 2 loại trường tự chủ như trên vào một là hoàn toàn không đúng, cần phải tách ra thành 2 mức độ tự chủ khác nhau. 
Dự thảo quy định “Mức cấp học bổng tối thiểu phải bằng mức học phí hiện hành của nhà trường”.

Đây là nội dung không hợp lý vì hiện nay, sinh viên diện chính sách đã có quy định hỗ trợ của Nhà nước. Sinh viên học tập tốt có 3 chế độ học bổng: kết quả học tập xuất sắc được cấp toàn bộ học phí + phí ký túc xá và sinh hoạt phí; kết quả học tập giỏi được cấp toàn bộ học phí; kết quả học tập khá được cấp 50% học phí. Sinh viên hộ nghèo, cận nghèo, có khó khăn về kinh tế hiện nay rất nhiều và trường ĐH nào cũng áp dụng chế độ học bổng căn cứ vào hoàn cảnh gia đình cộng với kết quả học tập. Không thể có chế độ học bổng vô điều kiện, vì điều đó có thể dẫn đến sinh viên nghèo ỷ lại, không chịu cố gắng, không chịu học, trở thành sinh viên cá biệt.

Cơ chế tự chủ đại học - Cần sát thực tế hơn ảnh 1 Sinh viên ngành địa chất của Đại học Bách khoa TPHCM trong giờ thực hành
Học bổng này cũng phải ràng buộc là kết quả học tập phải trên trung bình và từ mức trung bình đến cận khá sẽ có các chế độ học bổng khác nhau. Do đó, quy định “cào bằng” học bổng như dự thảo là rất nguy hại vì không có cơ sở khoa học. 

Phần điều khoản thi hành có quy định các bộ, ngành phải “Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với quy định của nghị định này” nhưng không yêu cầu rõ là phải thực hiện xong trong bao nhiêu ngày (30 ngày, 60 ngày hay 90 ngày). Một khi nghị định này ban hành nhưng thông tư của các bộ 3 năm sau vẫn chưa sửa để thi hành nghị định (như trường hợp của Nghị quyết 77), thì nghị định coi như… phá sản!

Quy định rõ về những vấn đề then chốt

Đại diện nhiều trường ĐH tự chủ cho rằng dự thảo còn quá nhiều “sạn”, nên phải chỉnh sửa cho sát với thực tế.

Chủ tịch hội đồng đại học một học viện lớn tại Hà Nội cho biết: Nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã ban hành, đưa ra nhiều giải pháp táo bạo, đột phá cho việc đổi mới hoạt động, quản lý của các cơ sở GDĐH (như không áp dụng chế độ công chức trong các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; thí điểm thuê người điều hành; áp dụng mô hình quản lý như doanh nghiệp đối với các cơ sở GDĐH…).

Do đó, không có bất kỳ lý do nào để các quy định trong dự thảo lại còn có giải pháp ôn hòa, thỏa hiệp hay kém quyết liệt hơn so với Nghị quyết 19. Quy định về tự chủ cần bảo đảm rằng các cơ sở GDĐH công lập có được cơ hội cạnh tranh bình đẳng, công bằng và lành mạnh với các cơ sở đào tạo thuộc các hình thức khác như ĐH tư, ĐH quốc gia. Chỉ có như vậy, GDĐH mới có cơ hội phát triển, đạt được những thành tựu trong tương lai cả về giáo dục và nghiên cứu.

Theo hiệu trưởng một trường ĐH tự chủ tại TPHCM, những vấn đề then chốt nhất liên quan đến quyền tự chủ như: ĐH tự chủ là đơn vị hành chính - nhà nước hay đơn vị dịch vụ công (để rồi giải thích các quyền phía sau của đơn vị); nếu là đơn vị dịch vụ công, thì phải áp dụng theo Luật Doanh nghiệp và luật nào nữa; quyền quyết định nhân sự (của từng loại đơn vị tự chủ), quyền quyết định nhiệm kỳ, tuổi bổ nhiệm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng; quyền quyết định bộ máy tổ chức; quyền quyết định sử dụng tài sản và nguồn thu do ĐH tự làm ra; đơn vị tự chủ đầu tư bằng nguồn tiền do trường tự tích lũy thực hiện theo Luật Đầu tư công hay Luật Đầu tư; các quyền khác thì theo Luật Doanh nghiệp hay luật chuyên ngành đối với đơn vị hành chính - sự nghiệp... hoàn toàn không được dự thảo giải thích, làm rõ. Vì thế, nội dung dự thảo cực kỳ rối rắm, nhiều nội dung rất bảo thủ, ngược lại chủ trương tự chủ.

Cũng theo vị hiệu trưởng trên, về nội dung, dự thảo cần chia chính xác 3 loại hình ĐH hiện nay theo mức độ tự chủ từ trên xuống: ĐH tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và chi đầu tư; ĐH tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên; ĐH tự chủ một phần chi thường xuyên. Mỗi loại hình có một chương quy định riêng về 3 vấn đề: quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình, những hỗ trợ từ Nhà nước.

Khi đã phân định đúng 3 loại hình ĐH tự chủ ngay từ đầu dựa vào “chi thường xuyên”, sẽ có quy định được chính sách đúng cho từng loại để giúp tất cả đều phát triển. Do đó, dự thảo cần được chỉnh lại, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với từng loại hình ĐH. Bởi mỗi loại hình có đặc thù khác nhau, nên không thể cào bằng về mặt quy định.

Nhiều mục trong dự thảo quy định “trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định” khiến các trường bối rối. Bởi vì “cơ quan có thầm quyền” là cơ quan nào, trong khi đó, Luật sửa đổi một số điều của Luật GDĐH vừa ban hành chỉ giao cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể đó là Bộ GD-ĐT. Quy định không rõ ràng, nếu các bộ, ngành khác đòi quyền quyết định thì lúc đó sẽ tính như thế nào?

Tin cùng chuyên mục