Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học:

Cơ chế thị trường mang đến tính chuyên nghiệp trong xuất bản

Nhà xuất bản (NXB) Văn học vừa kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển. Đây là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống xuất bản. Dịp này, TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP về tình hình xuất bản sách văn học trong bối cảnh cạnh tranh của kinh tế thị trường.


TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học
TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học

PHÓNG VIÊN: Giữa thời bao cấp và thị trường hiện nay, xuất bản sách văn học có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

TS NGUYỄN ANH VŨ: Sách văn học là mảng sách lớn, quan trọng trong hoạt động xuất bản của thị trường sách. Hoạt động xuất bản, thị trường sách văn học trong những năm gần đây đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức bởi sự tác động của kinh tế thị trường. 

Phải khẳng định rằng, cơ chế thị trường đã mang lại nhiều chuyển biến đáng kể cho hoạt động xuất bản sách văn học, cho quá trình sáng tạo và tiếp nhận văn học. Đáng ghi nhận là cơ chế thị trường đã mang lại cho hoạt động xuất bản sách văn học tính chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp từ người sáng tác, đến đối tượng tiếp nhận và quá trình lưu thông sản phẩm. Một biểu hiện rõ rệt của tính chuyên nghiệp trong hoạt động xuất bản sách văn học đã được đẩy mạnh và phát triển hết sức mạnh mẽ trong thời gian qua, đó là việc đầu tư cho công đoạn tuyên truyền, quảng bá, quảng cáo (PR) xuất bản phẩm. Các hình thức PR hết sức đa dạng, phong phú. Từ những buổi họp báo, tọa đàm, bàn tròn, thảo luận lớn - nhỏ cho đến giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến với tác giả, người đọc bình chọn, trình diễn tác phẩm… Nhiều sự kiện trong số đó đã trở thành những buổi sinh hoạt văn hóa, văn học nghệ thuật chất lượng với hàm lượng tri thức cao. 

Ngày trước, để in một cuốn sách rất khó, phải là tác giả lớn hoặc tác phẩm thật sự chất lượng. Nay, in sách thơ, truyện quá dễ, ai cũng in được. Theo anh, đây là biểu hiện đáng mừng hay đáng lo của thị trường sách văn học nói chung trong quá trình xã hội hóa, liên kết xuất bản?

Đây chính là thành quả của chủ trương xã hội hóa hoạt động xuất bản, một chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong việc nỗ lực phát triển nền kinh tế tri thức, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, nâng cao thẩm mỹ cũng như những giá trị tinh thần của nhân dân trong bối cảnh thế giới ngày một “phẳng”. 

Tuy nhiên, liên kết xuất bản sau một thời gian thực hiện, bên cạnh những thành tựu, vẫn tồn tại không ít hệ lụy, như một bức tranh nhiều mảng màu sáng-tối. Trong thời gian qua, đã có không ít những xuất bản phẩm mắc phải những sai sót nghiêm trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, tôn giáo, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục… đã được dư luận phát hiện và phê phán. Và hầu hết những cuốn sách mắc phải các sai sót này đều rơi vào những xuất bản phẩm liên kết.

Theo ông, chuyên môn để thẩm định một tác phẩm văn học trước khi in thành sách cần có những tố chất gì?

 Đội ngũ biên tập viên xuất bản đóng vai trò là cầu nối giữa tác giả và độc giả, ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với họ. Ví dụ hàng ngày, hàm lượng tri thức, văn hóa trong các tác phẩm ngày một nâng cao, đòi hỏi biên tập viên cũng cần phải có một vốn kiến thức, phông văn hóa nhất định để có thể “đối thoại sòng phẳng” với tác giả.

Với không ít những thách thức đặt ra như vậy, đội ngũ biên tập viên xuất bản bắt buộc phải bồi đắp, hoàn thiện những phẩm chất, năng lực cần có của một biên tập viên để có thể hoàn thành tốt công việc của mình, để có thể trụ vững trong hoạt động xuất bản hiện nay. Trước tiên, đó là phẩm chất chính trị, tư tưởng, đây là một phẩm chất căn cốt của một biên tập viên xuất bản và đồng thời là yêu cầu trong hoạt động xuất bản. Biên tập viên cũng phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của xuất bản phẩm. Cuối cùng, giữa bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, biên tập viên có khả năng nắm bắt thị trường, nhanh nhạy với xu hướng, thị hiếu của độc giả. 

Một thời nói đến NXB Văn học, giới cầm bút nhớ đến những biên tập viên đồng thời cũng là những người cầm bút tên tuổi. Nay đội ngũ biên tập ấy của NXB đã được kế thừa như thế nào, thưa ông?

Đây chính là một trong những truyền thống đáng tự hào của tập thể cán bộ, biên tập viên NXB Văn học hôm nay, bởi đã từng có những nhà văn, nhà thơ, dịch giả tên tuổi từng là biên tập viên của NXB. Đó vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng đồng thời cũng là động lực để các thế hệ biên tập viên hôm nay không ngừng học hỏi. Thế hệ biên tập viên hôm nay của NXB Văn học đều được đào tạo bài bản ở các trường đại học chuyên ngành về văn học, về biên tập xuất bản… Trong quá trình làm việc, đội ngũ biên tập viên vẫn thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về tư tưởng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ để trụ vững trong hoạt động xuất bản hiện nay.

Việc có nhiều NXB cùng in sách văn học cũng đồng nghĩa với nguồn bản thảo của NXB Văn học sẽ giảm đi, vậy làm cách nào để NXB Văn học vẫn là địa chỉ tin cậy của người cầm bút nói chung và các nhà văn nói riêng?

Đó chính là sự cạnh tranh hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức mà kinh tế thị trường mang lại. Trong hoàn cảnh như vậy, muốn giữ được uy tín, thương hiệu đối với cộng tác viên cũng như đông đảo bạn đọc và cả đối tác liên doanh liên kết, chỉ một phương cách duy nhất là hoàn thành tốt nhất công việc của mình. 

Trong tình hình nhiều NXB đang gặp khó khăn, là một giám đốc có tuổi đời khá trẻ, anh làm cách nào để vượt qua và giữ vững thương hiệu 70 năm của đơn vị mình?

Quả thật là không chỉ riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp đang làm việc trong 59 NXB khác trong cả nước, nếu không vì yêu nghề, không coi xuất bản như một cái nghiệp đã gắn vào thân thì không còn giữ được sự đam mê với những trang sách trong tình hình khó khăn hiện nay. Khi tôi nhận nhiệm vụ lãnh đạo cao nhất NXB Văn học cách đây hơn 6 năm, cũng đã có không ít ánh mắt nghi hoặc nhìn tôi ở thời điểm đó.

Không nghi hoặc sao được khi ở thời điểm đó tôi còn quá trẻ, trẻ nhất trong đội ngũ lãnh đạo các NXB từ trước đến nay, lại chèo lái một NXB với bề dày truyền thống trong hoàn cảnh phải tự hạch toán với nguồn vốn và cơ sở hạ tầng hết sức khiêm tốn. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, có thể tạm nói rằng, chúng tôi đã đứng vững bởi sự nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn thể anh chị em trong NXB Văn học. Và một mục tiêu duy nhất chúng tôi luôn hướng tới cho mọi công việc của mình là bạn đọc và uy tín, thương hiệu của truyền thống 70 năm.

Tin cùng chuyên mục