Có bắt buộc trả lương tháng 13 cho người lao động?

Lương tháng 13 là khoản tiền thưởng cuối năm mà người lao động (NLĐ) đặc biệt quan tâm và mong mỏi sau một năm làm việc cho doanh nghiệp. Đây có phải là khoản lương bắt buộc mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải trả cho NLĐ hay không? Lương tháng 13 có phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không?
Luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương tháng 13, tuy nhiên đây là chính sách khuyến khích, để giữ người lao động nên phần lớn DN đều có lương tháng 13, tiền thưởng tết cho người lao động. Ảnh: MỸ HẠNH
Luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải trả lương tháng 13, tuy nhiên đây là chính sách khuyến khích, để giữ người lao động nên phần lớn DN đều có lương tháng 13, tiền thưởng tết cho người lao động. Ảnh: MỸ HẠNH

Khoản 1 Điều 103 Bộ luật Lao động 2012 quy định: “Tiền thưởng là khoản tiền mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của NLĐ nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở”.

Như vậy, lương tháng 13 là khoản tiền thưởng mà NSDLĐ chi trả nhằm khuyến khích tinh thần làm việc, thực hiện chính sách đãi ngộ NLĐ.

Nếu trong năm doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, hoặc NLĐ bị đánh giá không hoàn thành công việc của mình, thì NLĐ có thể không được nhận tiền lương tháng 13.

Do đó, pháp luật không có quy định bắt buộc NSDLĐ phải thưởng lương tháng 13 cho NLĐ. Hay nói cách khác, trường hợp NSDLĐ không chi trả lương tháng 13 cho NLĐ không phải là hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng lao động giữa NSDLĐ và NLĐ, và thỏa ước lao động tập thể có quy định về việc NLĐ được trả lương tháng 13, thì NSDLĐ phải thực hiện theo nghĩa vụ đã cam kết.

Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2012, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Mặt khác, thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể là quyền và nghĩa vụ của cả NSDLĐ và NLĐ (Điều 5, 6 Bộ luật Lao động 2012).

Cho nên, nếu NSDLĐ và NLĐ đã thỏa thuận với nhau trong hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể về quyền được nhận lương tháng 13 của NLĐ thì NSDLĐ phải có nghĩa vụ trả lương tháng 13 cho NLĐ.

Trường hợp NSDLĐ không thực hiện đúng nội dung đã cam kết trong hợp đồng lao động, NLĐ có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết tới tòa án nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở chính của công ty sau khi thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tiền thưởng là khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, NLĐ phải có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân tương ứng với khoản tiền lương tháng 13 mà họ nhận được.

Cách tính thuế với tiền thưởng tết này dựa trên biểu lũy tiến từng phần, tức là mỗi bậc thu nhập có một thuế suất tương ứng.

Cụ thể như sau: bậc 1 (thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng) thuế suất 5%; bậc 2 (thu nhập tính thuế từ trên 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng) thuế suất 10%; bậc 3 (thu nhập tính thuế từ trên 10 triệu đồng đến 18 triệu đồng) thuế suất 15%; bậc 4 (thu nhập tính thuế từ trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng) thuế suất 20%; bậc 5 (thu nhập tính thuế từ trên 32 triệu đồng đến 52 triệu đồng) thuế suất 25%; bậc 6 (thu nhập tính thuế từ trên 52 triệu đồng đến 80 triệu đồng) thuế suất 30%; bậc 7 (thu nhập tính thuế từ trên 80 triệu đồng) thuế suất 35%.

Tin cùng chuyên mục