CLE giúp phổ biến luật pháp tới cộng đồng

So với cách dạy và học thuần lý thuyết, CLE (Giáo dục pháp luật thực hành) là cách học năng động và sáng tạo, với mục tiêu tăng cường thực hành, thực tiễn, áp dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế.

Tại Việt Nam, nhiều trường đại học luật hoặc có chuyên ngành luật đã áp dụng mô hình CLE trong đào tạo. Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phát triển dự án Giáo dục Pháp luật Cộng đồng (NEU CLE) trong thời gian 5 năm (từ năm 2015 - 2020) hay Câu lạc bộ Thực hành Pháp luật trực thuộc Trung tâm Tư vấn Pháp luật và Đào tạo ngắn hạn của Trường Đại học Luật TPHCM. Trường Đại học Luật - Đại học Huế cũng đã triển khai mô hình này trong đào tạo luật cho sinh viên.

“Những năm gần đây, Trường Đại học Luật - Đại học Huế đã thành lập Trung tâm Thực hành luật và Quan hệ doanh nghiệp. Đây là mô hình giáo dục thực hành luật CLE - một phương pháp học tập dựa trên sự trải nghiệm, giúp sinh viên gắn kết giữa lý thuyết và thực hành”, Ths - NCS Trần Cao Thành, Tổ trưởng Tổ thực hành luật, chia sẻ.

Điều đáng ghi nhận là hiện các đơn vị này đang hoạt động rất hiệu quả và đạt nhiều thành công.

TS Phạm Liêm Chính, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính và Công sự, cho biết: “Ở các nước phương Tây, sinh viên luật ngoài giờ học thường đến dự thính tại các phiên tòa công khai để liên hệ thực tế với những vấn đề đang học, đang quan tâm. Ngoài ra, nhà trường còn có chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước. Sinh viên sẽ được mở rộng tầm nhìn về thực tiễn dạy luật và học luật ở các nước khác nhau, từ đó có sự so sánh các hệ thống pháp luật các nước trên thế giới, cũng như thự tiễn công việc ngay trên băng ghế nhà trường”.

CLE giúp phổ biến luật pháp tới cộng đồng ảnh 1 Phiên tòa giả định trong chương trình giáo dục CLE của Trường Đại học Luật - Đại học Huế

Cũng theo ông Chính, trong chương trình CLE phổ biến hiện nay, sinh viên luật sẽ được trải nghiệm thực tế thông qua việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho cộng đồng, đặc biệt là những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật. Các hoạt động của CLE khá đa dạng, phụ thuộc vào môi trường xã hội, đặc thù và hoàn cảnh cụ thể để tổ chức các hoạt động phù hợp như: Mô hình thực hành luật tại văn phòng thực hành luật, mô hình thực hành luật lưu động, mô hình thực hành thực tập luật tại cơ quan tư pháp, phiên tòa giả định...

Về tính hiệu quả của mô hình CLE, bạn Nguyễn Thị Phương Linh, sinh viên K37 Trường Đại học Luật - Đại học Huế, chia sẻ: “Các hoạt động ngoại khóa như tham gia các phiên tòa giả định, các hoạt động tư vấn pháp luật ở trường học hay ở trại giam giúp rèn những kỹ năng để chúng em có thể sẵn sàng đi làm ở bất cứ nơi nào và bất cứ ngành nghề nào”.

Các chuyên gia giáo dục đánh giá, sinh viên dù ở bất cứ ngành nghề nào ngoài các kiến thức chuyên môn thì cần phải có một môi trường thực tế phù hợp để có thể áp dụng, kiểm nghiệm và đánh giá những kiến thức lý thuyết có hiệu quả ra sao khi đưa vào thực tế. Các mô hình tương tự như CLE cần được phát huy hơn nữa, không chỉ ở trong môi trường đào tạo ngành luật mà còn nhiều ngành nghề khác.

Tin cùng chuyên mục