Chuyên nghiệp trước sức hút của CPTPP

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Cùng với Việt Nam, CPTPP chính thức đi vào cuộc sống đối với 6 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore).

 4 thành viên còn lại là Brunei, Malaysia, Chile, Peru cũng đang gấp rút hoàn tất các thủ tục phê chuẩn nội bộ để hiệu lực hóa hiệp định này. Ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, một số nền kinh tế như Thái Lan, Hàn Quốc, Anh, Indonesia… cũng thể hiện mong muốn gia nhập hiệp định này. Có thể nói, sau khi CPTPP chính thức trở thành hiện thực, danh sách các thành viên tương lai của hiệp định ngày càng trở nên đa dạng, thậm chí ngay cả Mỹ cũng có khả năng quay trở lại và Trung Quốc cũng có thể gia nhập hiệp định này.

Sức hút của CPTPP đối với các nền kinh tế của các nước tham gia và các nước đang mong muốn được tham gia thể hiện ở tính chất toàn diện nhất và có mức độ tự do hóa tham vọng nhất kể từ trước đến nay. Mục tiêu của CPTPP là thiết lập một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 40% thương mại thế giới, tạo ra khu vực kinh tế hội nhập đầy đủ và thiết lập các quy tắc nhất quán cho đầu tư toàn cầu. CPTPP cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác đối với một loạt hàng hóa, bao gồm nhiều sản phẩm như ô tô, dệt may, thịt, sữa, ngũ cốc...
Ước tính cho thấy, tổng mức giảm thuế giữa các thành viên CPTPP ở mức khoảng 95% - 98%.

Đối với Việt Nam, CPTPP mang đến nhiều cơ hội đi kèm thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, các lĩnh vực, ngành hàng như dệt may, giày dép, cà phê, trà, hạt tiêu... sẽ được hưởng lợi nhiều từ CPTPP. Nhưng ở lĩnh vực ô tô, thực phẩm, chăn nuôi… có thể phải chịu tác động từ các cam kết. Đơn cử, đối với ngành dệt may, dù được cho là sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ những ưu đãi thuế quan, song sẽ phải chịu tác động mạnh nhất từ các cam kết trong CPTPP. Nguyên nhân là việc phải nhập khẩu lượng lớn vải từ những nước không tham gia CPTPP (như Trung Quốc) sẽ khó có thể tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ xuất xứ hàng hóa. Các thành viên CPTPP khác có ngành sản xuất vải phát triển sẽ tận dụng được tối đa ưu đãi, thậm chí có thể còn dùng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất vải trong nước, điều này khiến doanh nghiệp may mặc Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn. Để giải quyết nút thắt này, doanh nghiệp dệt may phải chủ động tìm hiểu kỹ cơ chế các ưu đãi, cam kết trong CPTPP. Từ đó, xác định thế mạnh, điểm yếu để đưa ra chiến lược phát triển thích hợp, chú trọng đến đầu tư sản xuất vải (in, nhuộm, hoàn thiện) trong nước. Bên cạnh đó, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về quy hoạch, đất đai… để hình thành khu công nghiệp tập trung chuyên ngành lĩnh vực này. Hay với ngành chăn nuôi, để sản phẩm chăn nuôi khai thác tốt thị trường CPTPP, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với nông dân để tạo ra những vùng chăn nuôi trọng điểm theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, đến phát triển thị trường tiêu thụ.

Tóm lại, để gia nhập CPTPP thành công và hiệu quả, các doanh nghiệp Việt phải tìm cách để thích nghi với môi trường cạnh tranh quốc tế, thay đổi cách làm ăn chuyên nghiệp hơn, có chiến lược đầu tư dài hạn… thì mới tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội. Còn nếu “chậm chân”, doanh nghiệp của các nước khác sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, bởi trong cơ hội bao giờ cũng kèm theo thách thức. Về phía nhà nước, cần có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo những điều kiện tốt cho các doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, trước sức hút của CPTPP, trong thời gian tới sẽ còn nhiều quốc gia tham gia, cạnh tranh ngày càng thêm khốc liệt hơn.

Tin cùng chuyên mục