Chuyện nghề bác tài 114

Trước giờ, hình ảnh người lái xe chữa cháy ít được biết đến hơn so với lính chữa cháy. Không trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy nhưng không vì thế mà vai trò và trách nhiệm của họ nhẹ nhàng hơn. Chuyện nghề của những bác tài 114 còn có những điều thú vị và hiểm nguy ít ai biết đến.
Thiếu tá Nguyễn Văn Phương kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện vào ca trực của mình
Thiếu tá Nguyễn Văn Phương kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện vào ca trực của mình

Những tấm bản đồ sống 

17 giờ 10 phút ngày 24-4-2019, tiếng chuông báo động tại Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (CC-CNCH) khu vực 1 Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH (PC07) Công an TPHCM bỗng vang lên dồn dập.

Đơn vị vừa nhận nhiệm vụ chi viện chữa cháy nhà dân tại địa chỉ số 492 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 2 quận 3). Chỉ 1 phút sau, cánh cổng đơn vị mở ra, đoàn xe chữa cháy gồm 6 chiếc hú còi, chớp đèn liên tục và lao vút đi, chỉ trong thời gian ngắn đã đến được địa chỉ trên. 

Quá trình trinh sát cho thấy, đang có nhiều người mắc kẹt trong nhà. Đội CC-CNCH khu vực 1 đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC-CNCH Công an quận 3 nhanh chóng tiếp cận đám cháy, băng qua màn khói dày đặc để tìm kiếm và cứu 3 đứa trẻ đưa xuống đất an toàn. Nhờ có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị mà cuộc giải cứu đã thành công, thiệt hại do cháy gây ra được hạn chế đến mức thấp nhất. 

Thành công ấy không chỉ thuộc về người lính cứu hỏa, mà còn phải kể đến công của những lái xe chữa cháy. Công việc lái xe trong lực lượng Cảnh sát PCCC đặt ra nhiều yêu cầu, đặc biệt là phải biết sử dụng, điều khiển thành thạo nhiều loại xe chữa cháy được nhập từ nước ngoài.

Tất cả đều bằng tiếng Anh, tiếng Đức… người lái xe phải tự đọc tài liệu và tìm hiểu cách sử dụng. Nhiều phương tiện lực lượng phải nhờ đến chuyên gia nước ngoài huấn luyện.

Trung úy Cấn Đặng Tuyên, lái xe Đội CC-CNCH khu vực 1, tâm sự: “Để trở thành lái xe chữa cháy đòi hỏi người chiến sĩ phải có thể lực tốt, phải thuộc đường - là tấm bản đồ sống và phải thật nhanh nhẹn. Thể lực tốt để điều khiển xe nặng từ 18 - 28 tấn, chiến đấu nhiều giờ trong một vụ cháy và có thể tham gia 2 - 3 vụ trong một ngày. Lái xe phải thật tinh thông đường để chở cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đến hiện trường một cách nhanh nhất, tránh lạc đường làm giảm hiệu quả chiến đấu”. 

Thông thường, trong một ca trực có 6 lái xe, phải làm việc với cường độ cao và áp lực. Khi điều khiển xe đi chữa cháy, trong xe có chứa nước nên nặng hơn các xe khác; lúc vào các khúc cua xe thường chao đảo, khó điều khiển, đòi hỏi người tài xế phải quan sát, xử lý thật khéo. Nếu không có kinh nghiệm thì dễ xảy ra các sự cố như lật xe, tai nạn chết người…

“Lái xe chữa cháy phải có mặt dưới sân trước, nhanh chóng khởi động xe, chuẩn bị phương tiện sẵn sàng để khi cán bộ, chiến sĩ ra xe là lao vút đi. Tức là phải nhanh hơn cả 1 phút (điều lệnh yêu cầu thời gian từ khi lính chữa cháy nghe chuông báo động, mặc đồng phục và lên xe là 1 phút). Lái xe chữa cháy phải kinh nghiệm, vừa lái xe với tốc độ nhanh nhất nhưng phải đảm bảo an toàn cho đồng đội và người tham gia giao thông; đồng thời xử lý thật nhanh những tình huống xấu xảy ra trên đường”, Trung úy Cấn Đặng Tuyên cho biết.

Nhiệm vụ của lái xe khi tới hiện trường là vận hành cho xe chữa cháy hoạt động và giám sát hoạt động của xe đó. Đối với xe nước là thao tác vận hành lắp các đường vòi để ra nước nhanh nhất, xem mức nước còn hay sắp hết để báo cáo chỉ huy; đồng thời tăng giảm áp lực nước khi có lệnh của chỉ huy chữa cháy.

Đối với xe thang, phải điều khiển thang vươn lên cao để lính chữa cháy tiếp cận nguồn lửa và người bị nạn một cách chính xác, an toàn. Tương tự như thế, xe phá dỡ công trình thì vào sâu hiện trường, dùng mũi khoan khổng lồ phá các vật cản để lính chữa cháy tiếp cận được với gốc lửa, giúp công tác chữa cháy nhanh và hiệu quả hơn… 

Kỷ niệm khó quên

11 giờ 20 phút ngày 16-3-2015, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại khu dân cư số 360B Bến Vân Đồn (quận 4). Vụ cháy xuất phát từ hộ bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết rồi nhanh chóng lan sang 7 nhà dân lân cận.

Nhận được tin báo cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC đã điều động nhiều đơn vị tới hiện trường. Thiếu tá Nguyễn Văn Phương, lái xe Đội CC-CNCH khu vực 1 thuộc PC07 Công an TPHCM (lúc đó là lái xe Phòng Cảnh sát PCCC quận 1) được giao nhiệm vụ chở lực lượng và phương tiện tới chi viện. Khi đang tích cực hỗ trợ đồng đội cứu chữa vụ cháy, Thiếu tá Phương được lệnh từ chỉ huy triển khai thêm đường vòi tiếp nước gắn vào xe.

Khi vừa triển khai xong thì bất ngờ một đầu khớp nối đường vòi (bằng thép đúc) văng ra đập mạnh vô tay, áp suất của nguồn nước lớn khiến khuỷu tay của đồng chí gãy rời. Nhưng lúc đó chưa cảm thấy đau, Thiếu tá Phương vẫn tiếp tục cùng đồng đội gắn lại đường vòi.

Đến một lúc sau, khi người bỗng đổ mồ hôi đầm đìa, tay trái thấy đau dữ dội, đồng chí mới nhờ đồng đội đưa vào Bệnh viện 30-4 xử lý. Giờ, mỗi lần nhìn vào vết sẹo dài trên tay vẫn gợi nhắc Thiếu tá Nguyễn Văn Phương về một kỷ niệm khó quên trong nghề nghiệp của mình.  

Cũng như những người lính PCCC, khi nghe tin báo cháy, lái xe cũng hết sức nóng ruột, chỉ mong làm sao tới thật nhanh hiện trường để dập lửa, cứu người, cứu tài sản cho nhân dân, nhưng không vì thế mà lái ẩu, vì những nguy hiểm trên đường đi luôn thường trực.

Chuyện nghề bác tài 114 ảnh 1 Lái xe chữa cháy điều khiển xe thang cứu chữa vụ cháy nhà dân tại chợ Kim Biên (quận 5)

Trung úy Cấn Đặng Tuyên kể lại kỷ niệm khó quên: “Tháng 3-2019, đơn vị nhận được tin báo cháy nhà dân tại phường 10 quận 5, đội hình xe 6 chiếc chạy nối đuôi với khoảng cách gần nhau. Bỗng từ đâu, một người dân xuất hiện và chạy băng qua đường ngay trước mặt xe của tôi một cách rất nhanh. Trước tình thế đó, để tránh tông phải người đó tôi đã lách xe, đánh gấp tay lái qua bên đường và lao xe lên vỉa hè. Lúc đó tim tôi như bay ra ngoài và thấy rất may mắn vì người đó không bị sao”.

Cũng có những kỷ niệm vui trong nghề “dở khóc dở cười”, như người dân “nhiệt tình quá” khi hỗ trợ lực lượng chữa cháy tại hiện trường. Như lần xảy ra một vụ cháy, khi cán bộ, chiến sĩ vừa tới nơi, đang khẩn trương triển khai các đường vòi thì nhiều người dân tới kêu phụ giúp lực lượng.

“Điều tài xế khổ tâm nhất là vấn đề kẹt xe, người lưu thông nghe thấy tiếng còi báo hiệu nhưng không chịu nhường đường. Đặc biệt có một số người thích đánh võng, lạng lách trước xe cứu hỏa. Vụ gần đây nhất là khi lực lượng được điều động đến chữa cháy nhà dân tại phường 12 quận 10, trên đường di chuyển, một thanh niên liên tục lạng lách đánh võng trêu ngươi đoàn xe. Sau khi lực lượng chữa cháy xong, khi quay trở về đến đường Nguyễn Văn Cừ, thanh niên đó lại xuất hiện, tiếp tục đánh võng trước xe chữa cháy. Chúng tôi đã đánh lái, dùng xe cứu hỏa ép xe thanh niên này vào lề đường. Anh em lính chữa cháy nhảy xuống cùng nhau bắt lại giao cho Công an phường Nguyễn Cư Trinh xử lý”, Thiếu tá Nguyễn Văn Phương kể.

Do không nắm được kỹ thuật nên người dân chỉ kéo đường vòi vào trong hiện trường mà không nối vào nguồn nước, cả đầu đuôi đường vòi được kéo một đoạn khá xa và cuốn vào nhau rối như cọng bún, khiến lái xe và lính chữa cháy phải chạy vào trong lôi ra, lắp ráp lại, gắn vào nguồn nước sau đó kéo thẳng vòi thì nước mới ra. Lính chữa cháy lúc đó mới bắt đầu kéo vòi vào hiện trường chữa cháy.

Đôi khi lái xe chữa cháy còn phải tham gia xử lý các tình huống khẩn cấp, như vào mùa mưa trụ điện dùng lâu ngày bị ôxy hóa. Sau đó chim, chuột chui vào cắn các đường dây điện gây chập điện, cháy nổ. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC tới thì nhân viên điện lực chưa đến để cắt điện.

Trước tình huống trên, để tránh không gây cháy lớn, cháy lan, trách nhiệm công việc thôi thúc lực lượng Cảnh sát PCCC phải triển khai đội hình chữa cháy điện.

Dù có mang trang thiết bị bảo hộ thì khả năng bị phóng điện vẫn ở mức cao, nhưng lái xe và lính chữa cháy vẫn khẩn trương làm việc mà không ngại hiểm nguy.

“Làm nghề này, bản thân tôi cảm thấy tự hào vì giúp được nhiều người giữ được tài sản, tính mạng, được người dân quý mến, tôn trọng. Vì thế, lúc nào tôi cũng cố gắng hết sức hoàn thành tốt công việc, làm việc với tất cả nhiệt huyết và trách nhiệm của mình”, Thiếu tá Phương cười mãn nguyện chia sẻ với chúng tôi.

Tin cùng chuyên mục