Chuyển mục đích sử dụng, cấp phép xây dựng trên đất giao thông


Đất trong khu quy hoạch tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ nhưng UBND quận Bình Tân (TPHCM) cho chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Sau đó, UBND quận Bình Tân còn tiếp tục cấp phép xây dựng vì… đất đã được chuyển mục đích sang đất ở (?!).

Nhà tôn bị dỡ nhưng nhà cao tầng lại được phép

Nhiều tháng nay, người dân ở khu dân cư Vĩnh Lộc (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) rất bất bình khi chứng kiến ông Nguyễn Văn Phương và bà Lương Thị Song Thúy xây dựng một nhà cao tầng trên đất quy hoạch. Chỉ tay vào căn nhà 3 tầng đã xây xong phần thô, ông Trà Minh H. (ngụ phường Bình Hưng Hòa B) bức xúc: “Cùng nằm trong khu quy hoạch nhưng chúng tôi dựng nhà tôn thì lập tức bị chính quyền tháo dỡ, còn ông Phương, bà Thúy xây nhà cao tầng thì được tồn tại. Sao lại có chuyện bất bình đẳng như vậy. Nêu thắc mắc này với địa phương thì phường khẳng định, công trình của ông Phương, bà Thúy được quận cấp phép. Điều này càng vô lý hơn, vì không lẽ quận biết sai vẫn cố ý làm trái”. Một số hộ dân khác cho biết thêm, công trình của ông Phương, bà Thúy khởi công từ cuối năm 2017. Công trình xây xong tầng 1 (khoảng tháng 4-2018) thì ngưng nhưng đến tháng 6-2018 tiếp tục xây dựng. Hiện nay công trình đã hoàn thành.

Để làm rõ những phản ánh của người dân, phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa B và được ông Tô Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND phường, xác nhận khu đất do ông Phương, bà Thúy đứng tên sở hữu nằm trong khu cây xanh cách ly đường ray xe lửa. Tuy nhiên, công trình xây dựng tại vị trí đất nêu trên có giấy phép. Vì sao đất quy hoạch lại được cấp phép xây dựng? Trả lời phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa B cho biết “cái này thuộc thẩm quyền của quận”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất của ông Phương, bà Thúy có diện tích 200m2 thuộc thửa 519, tờ bản đồ 43 (tài liệu 2005) phường Bình Hưng Hòa B. Khu đất này nằm trong khu quy hoạch đường sắt TPHCM - Cần Thơ theo Quyết định 7516 ngày 7-12-2007 của UBND quận Bình Tân. Quy hoạch là vậy nhưng ngày 18-10-2013, UBND quận Bình Tân lại cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Chưa dừng lại, ngày 3-1-2016, UBND quận Bình Tân (ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND) ký cấp giấy phép xây dựng cho ông Phương và bà Thúy với quy mô 3 tầng + lửng + sân thượng. Tổng diện tích sàn xây dựng 718m2.

Có thể bị xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại

Giải thích về việc cấp phép xây dựng trên đất quy hoạch, ông Nguyễn Gia Thái Bình nói căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở của ông Phương, bà Thúy nên quận cấp và đây chỉ là cấp phép tạm. Còn về việc chuyển mục đích sử dụng đối với đất quy hoạch (làm công trình giao thông) thì Thanh tra quận đang vào cuộc. Sau khi có kết luận cuối cùng, hướng giải quyết thế nào thì quận sẽ cung cấp đến báo chí.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, căn cứ Luật Cán bộ - công chức 2008 và Nghị định 34/2011, sau khi thanh tra, xác minh và kết luận rằng cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý với hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc buộc thôi việc (nếu là công chức không giữ chức vụ); khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc (nếu là công chức giữ chức vụ).

Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ, hành vi vi phạm và hậu quả để lại của vụ việc, cán bộ vi phạm cũng có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, hành vi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng trái quy định có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong số các tội như: tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong trường hợp hành vi sai phạm của cá nhân, cơ quan nhà nước gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức khác thì ngoài các trách nhiệm như nêu trên, cơ quan, tổ chức phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại phát sinh do hành vi sai phạm của mình gây ra. Trong trường hợp cán bộ, viên chức có hành vi sai phạm thì trước tiên cơ quan chủ quản của cán bộ, công chức, viên chức đó phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường, sau đó yêu cầu cán bộ, công chức sai phạm hoàn trả cho đơn vị, tổ chức.

Trong tháng 8-2018, báo chí phản ánh một công trình xây dựng trên đất nông nghiệp nằm trong hành lang bảo vệ sông rạch, lấn chiếm hành lang đường sắt tại phường 5 quận Gò Vấp. Sau đó, UBND phường xác định công trình được UBND quận cấp phép xây dựng tạm. UBND quận kiểm tra lại thì kết luận việc cấp giấy phép xây dựng tạm là sai nên thu hồi, hủy bỏ giấy phép xây dựng và tháo dỡ căn nhà đang xây dang dở đến tầng thứ 3.
Trong vụ việc này, 4 cán bộ, công chức của Phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp bị xem xét trách nhiệm do có sai phạm trong thực hiện chức trách công vụ. Ngoài ra, việc tham mưu cấp phép sai khiến công trình xây lên rồi phải đập bỏ đã gây thiệt hại cho người dân nên quận Gò Vấp yêu cầu 4 cán bộ này phải thỏa thuận bồi thường cho chủ công trình (trên 500 triệu đồng).

Tin cùng chuyên mục