Chuyên gia khoa học - công nghệ “rơi rụng” do chính sách

Sau 3 năm TPHCM kêu gọi chuyên gia, số lượng chuyên gia đã giảm từ 22 xuống còn 12 người. Nguyên nhân do một số chính sách của TPHCM chưa đáp ứng được theo đề nghị, mong muốn của chuyên gia.

Ngày 27-11, tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" do Thành ủy TPHCM tổ chức, đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, cho biết chủ trương thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ của TPHCM bước đầu đã có kết quả tốt. Các chuyên gia khoa học công nghệ trong và ngoài nước rất quan tâm đến chủ trương này.

Cùng với việc tập trung xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc thu hút, sử dụng chuyên gia khoa học công nghệ được Thành ủy đặc biệt xem trọng.

Theo đó, năm 2014 Ban Thường vụ Thành ủy đã có kết luận thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ. Trên cơ sở này, tháng 11-2014, UBND TPHCM đã có quyết định ban hành quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học - công nghệ trong nước và nước ngoài làm việc tại 4 đơn vị, gồm: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghiệp cao, Viện Khoa học Công nghệ tính toán (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ) và Trung tâm Công nghệ Sinh học (thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn).

Sau 3 năm thực hiện, TPHCM đã tiếp nhận 22 chuyên gia, nhà khoa học (có 4 người nước ngoài), gồm: 5 giáo sư, 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ và 2 kỹ sư (độ tuổi bình quân là 51) vào làm việc tại 4 đơn vị nói trên.

Phương thức làm việc là ký hợp đồng từ 12 - 48 tháng theo đặc thù công việc. Các chuyên gia định cư ở nước ngoài về Việt Nam từ 2-3 lần/năm để thực hiện các chuyên đề, hội thảo lớn. Còn lại các chuyên gia áp dụng phương pháp quản lý trực tuyến để đảm bảo tiến độ công việc được giao.

Các lĩnh vực được nghiên cứu tập trung vào vi mạch bán dẫn, đổi mới sáng tạo, toán ứng dụng, hóa tính toán, vật lý, sinh học, sinh học phân tử, kỹ thuật sinh hóa…

Mức lương của các chuyên gia này từ 20-55 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, họ còn được hỗ trợ chi phí đi lại. Một số trường hợp thì được trả lương theo số lần tư vấn trực tiếp.

Theo Ban Tổ chức Thành ủy, những kinh nghiệm và kiến thức của chuyên gia đã góp phần đào tạo cho các kỹ sư trong những công đoạn công nghệ cao quan trọng mà trường lớp chưa thể cung cấp.

Đặc biệt, tác động mời chuyên gia khoa học - công nghệ có kinh nghiệm lớn hơn nhiều so với sản phẩm họ tạo ra trong các dự án.

Vì vậy, TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi chương trình thu hút chuyên gia khoa học trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hiệu quả chính sách thu hút chuyên gia khoa học công nghệ của thành phố chưa nhiều. Số lượng chuyên gia tham gia các lĩnh vực hợp tác nghiên cứu sản xuất còn ít, chưa có quy chế phối hợp giữa với các sở ngành, với các trường đại học, viện nghiên cứu nên hiệu quả hoạt động của nghiên cứu khoa học chưa cao.

Các chuyên gia có mong muốn hợp tác ổn định lâu dài do gặp khó khăn vướng mắc cơ chế quy định tuyển dụng như công chức, viên chức bình thường khác, việc thu hút chuyên gia khoa học công nghệ nước ngoài hiện đang thực hiện theo từng trường hợp cụ thể, chưa có quy định chung.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, đến tháng 6-2017, do một số chính sách của TPHCM chưa đáp ứng được theo đề nghị, mong muốn của một số chuyên gia nên chỉ còn 12 người làm việc trong các lĩnh vực nói trên.

Quy định chế độ đãi ngộ cho người tiến cử nhân tài

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ trong thời gian tới, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, có chủ trương quy hoạch cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực trọng điểm để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Ban Thường vụ Thành ủy còn cho rằng công tác tiến cử nhân tài hiện nay chưa có quy định cụ thể nên mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Điều này dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những địa phương, giữa các đơn vị khác nhau.

Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu, quy định vai trò, trách nhiệm, chế độ đãi ngộ của người tiến cử nhân tài nhằm huy động các tổ chức cá nhân tiến cử nhân tài cho đất nước.

Tin cùng chuyên mục