“Chuông vàng vọng cổ 2019” giữ lửa đam mê

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ (CVVC) lần thứ 14 năm 2019 của Đài Truyền hình TPHCM khởi động từ tháng 5-2019 tại 5 cụm thi: miền Bắc, miền Tây Nam bộ (tại Hậu Giang và Long An), miền Đông Nam bộ (tại Bình Dương) và TPHCM. 

36/336 thí sinh có chất giọng tốt được chọn vào vòng tuyển chọn, diễn từ ngày 17-7 đến 20-7 tại Nhà hát Đài Truyền hình TPHCM, phát sóng vào các tối chủ nhật (4, 11, 18, 25-8).

“Chuông vàng vọng cổ 2019” giữ lửa đam mê ảnh 1 Đại diện Ban Tổ chức cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2019 và nhà tài trợ. Ảnh: HTV
Đạo diễn Nguyễn Minh Hải, Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi số lượng thí sinh năm nay tăng... Đặc biệt, sân chơi nghệ thuật truyền thống năm nay được thực hiện với ý nghĩa là “nơi giữ lửa đam mê”, mong muốn truyền tải thông điệp yêu thương đến với khán giả mê cải lương, rằng dù cuộc sống có biết bao sự thay đổi, sân khấu cải lương lúc thăng lúc trầm, nhưng mãi mãi cải lương là một ngọn lửa âm ỉ, luôn chờ đợi một cơn gió để có thể bùng cháy mạnh mẽ”. 

Bên cạnh ban giám khảo chuyên môn của vòng tuyển chọn gồm: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Quế Trân, ban tổ chức đã mời nghệ sĩ Tấn Beo làm giám khảo khách mời. Hội đồng nghệ thuật vòng chung kết xếp hạng năm nay là NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và đạo diễn NSƯT Hoa Hạ. NSƯT Hữu Quốc đảm nhiệm vai trò người dẫn chương trình. Giải thưởng cao nhất của cuộc thi trị giá 100 triệu đồng. 

Từ 36 thí sinh của vòng tuyển chọn, ban giám khảo sẽ chọn ra 9 thí sinh xuất sắc nhất để đi tiếp vào vòng chung kết. Các thí sinh sẽ có một khoảng thời gian đủ để tìm chọn bài, đăng ký, được chia đội huấn luyện, tập trung nâng cao chuyên môn chuẩn bị tốt cho vòng chung kết xếp hạng, tổ chức tại Nhà hát Truyền hình TPHCM, truyền hình trực tiếp vào các tối chủ nhật (8, 15, 22, 29-9).

Thương hiệu cuộc thi Chuông vàng vọng cổ đã góp phần không nhỏ trong việc tìm kiếm, phát hiện và bồi dưỡng những nhân tố mới, gương mặt trẻ có giọng ca hay, lạ, bổ sung vào đội ngũ nghệ sĩ sân khấu ở khắp các tỉnh thành; khích lệ mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết quý trọng, kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn phong trào ca vọng cổ, phong trào đờn ca tài tử ở các địa phương. Hơn thế nữa, nhiều năm qua, cuộc thi đã góp phần tôn vinh và quảng bá sâu rộng loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục