Chương trình nghệ thuật đặc biệt Dâng Người một bài ca

Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, tối 20-8 tại Nhà hát thành phố, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TPHCM tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề Dâng Người một bài ca. 
Chương trình nghệ thuật “Dâng người một bài ca” đã mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe. Ảnh: VOV
Chương trình nghệ thuật “Dâng người một bài ca” đã mang đến nhiều cảm xúc cho người nghe. Ảnh: VOV

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Dâng Người một bài ca được xây dựng gồm 2 chương: “Tôn Đức Thắng - Người thợ máy vĩ đại” và “Tôn Đức Thắng - Một nhân cách lớn”. Thông qua hình ảnh sân khấu hóa sống động, chương trình đã khắc họa chân dung Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nhà lãnh đạo lỗi lạc và mẫu mực, người bạn chiến đấu thân thiết của Bác Hồ. Bên cạnh phần giao lưu với bà Tôn Tuyết Dung, con gái của Bác Tôn, chương trình ca múa nhạc đặc sắc đã mang đến cho người xem nhiều tác phẩm đầy cảm xúc, ngợi ca người lãnh đạo kiệt xuất và vô cùng bình dị: Người là Bác Tôn, Người thợ Ba Son, Bài ca Hắc Hải, liên khúc Quốc tế ca - Công nhân Việt Nam, Kể chuyện người cộng sản, Vì người là Tôn Đức Thắng, Giữa Mỹ Hòa Hưng thoáng hương sen xứ Nghệ, Tình đất cù lao, Thành phố những mùa xuân… với sự tham gia biểu diễn của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng.

Ngày 20-8, Sở VH-TT TPHCM và Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã tổ chức kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2018), đồng thời kỷ niệm 30 năm thành lập bảo tàng. Dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đã giới thiệu đến công chúng chuyên đề trưng bày “Thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng”. Với gần 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, chuyên đề khái quát 3 nội dung chính: Bối cảnh Long Xuyên cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (Long Xuyên trở thành 1 tỉnh của Nam kỳ thuộc Pháp và chịu tác động mạnh mẽ của chính sách khai thác thuộc địa); hoạt động của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (truyền thống quê hương, gia đình đã tác động mạnh mẽ đến chí hướng, tình cảm và nhân cách người thanh niên Tôn Đức Thắng) và những câu chuyện đời thường của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng… Thông qua chuyên đề, giúp công chúng hiểu thêm về người công nhân tiêu biểu của giai cấp công nhân Việt Nam, người lãnh đạo phong trào công nhân và là nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Chiều 20-8, NXB Tổng hợp cùng Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu với tác giả Phạm Dương Mỹ Thu Huyền và giới thiệu tác phẩm Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân Sài Gòn đầu thế kỷ XX đến năm 1930.

Dịp này, NXB Tổng hợp đã dành tặng 10 phần quà, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng cho sinh viên quê An Giang - quê hương của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, có thành tích học tập xuất sắc trong năm học vừa qua.

Tin cùng chuyên mục