Chương trình môn học phổ thông mới sẽ bảo đảm giảm tải, thiết thực

Chiều 19-1, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. 
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới, dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục được công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong 2 tháng, kể từ ngày 19-1. Sau khi tiếp thu và hoàn chỉnh chương trình, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thẩm định và dự kiến ban hành chương trình vào tháng 4-2018.
Thi tốt nghiệp ổn định từ nay đến năm 2020
Bộ GD-ĐT cho biết, chương trình (CT) GDPT bao gồm CT GDPT tổng thể và các CT môn học, hoạt động giáo dục (CT môn học). Bộ GD-ĐT đã thông qua CT GDPT tổng thể từ tháng 7-2017. Căn cứ CT GDPT tổng thể, Ban Phát triển các CT môn học đã xây dựng dự thảo CT môn học ở các cấp học. 
Chương trình môn học phổ thông mới sẽ bảo đảm giảm tải, thiết thực ảnh 1 Học sinh THPT
Khái quát về CT GDPT mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, CT GDPT mới có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp... CT GDPT mới có đặc điểm nổi bật như CT phát triển năng lực học sinh. CT mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như khoa học (cấp tiểu học), lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào CT dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật.
Về hình thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ nay đến năm 2020, GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay. Từ năm 2020 trở đi sẽ có sự thay đổi để phù hợp với CT GDPT mới. 
Nhiều thay đổi so với nội dung hiện hành
Nói rõ thêm về CT môn học phổ thông mới, GS Nguyễn Minh Thuyết và chủ biên một số môn cho hay sẽ có nhiều thay đổi về nội dung so với CT hiện hành. Hầu hết môn học trong CT lần này hướng đến mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực cho người học, đặc biệt là năng lực vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề của thực tiễn. Nội dung mang tính ứng dụng được đẩy mạnh, phương pháp giáo dục tích cực, đặc biệt là thực hành, thí nghiệm được đề cao. Đơn cử, CT môn Toán dành 21% tổng thời lượng cho nội dung ứng dụng và loại bỏ dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử.
“Tính ứng dụng được chúng tôi đòi hỏi trong yêu cầu cần đạt của từng chủ đề. Ví dụ ở lớp 12, CT thiết kế chuyên đề ứng dụng Toán học trong tài chính, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học để giải quyết một số vấn đề về đầu tư hay lãi suất và vay nợ của tổ chức tín dụng”, chủ biên CT môn Toán GS Đỗ Đức Thái nói. Còn CT môn Ngữ văn ở bậc phổ thông mới sẽ không còn là bản thu nhỏ của khoa học Ngữ văn như hiện nay mà tinh giản, chỉ đưa vào nội dung giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực: đọc hiểu, giao tiếp tốt, biết cảm thụ, thưởng thức văn chương. CT mới được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể. Cả CT chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc, gồm: Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ biên CT môn Văn PGS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ, CT môn Văn mới không chạy theo số lượng tác phẩm của cả nền văn học mà chỉ chọn lọc tác phẩm tiêu biểu cho mỗi thể loại... Số lượng văn bản mang tính chất mẫu giảm đi, thời gian dành cho việc khai thác một tác phẩm tăng lên. Giáo viên do đó sẽ có thời gian hướng dẫn học sinh tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, có nhiều thời gian trao đổi, thảo luận và thấm nhuần giá trị của tác phẩm. 
Tin học trở thành môn học trọng tâm trong chương trình mới. Thay vì là môn tự chọn, từ lớp 3 đến lớp 9 chương trình mới yêu cầu học bắt buộc môn này.
Theo Bộ GD-ĐT, sau khi tiếp thu ý kiến xã hội, bộ sẽ hoàn thiện các CT môn học; thẩm định và ban hành CT; tập huấn cho các đối tượng khác nhau; biên soạn, thực nghiệm SGK theo lộ trình mà Quốc hội đã phê duyệt; thẩm định, phê duyệt SGK.

Tin cùng chuyên mục