Chương trình giáo dục phổ thông mới: Hướng đến giáo dục toàn diện

Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Lộ trình áp dụng chương trình mới như sau: năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. 

Chương trình có nhiều nét mới, đòi hỏi sự chuẩn bị phải kỹ càng cả về đội ngũ và cơ sở vật chất, tâm thế cho việc triển khai.

Mục tiêu giáo dục con người toàn diện

Chương trình GDPT mới bao gồm Chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13, Chương trình GDPT mới được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT tổng thể, cho biết Chương trình GDPT mới theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn.

Về mục tiêu giáo dục, Chương trình GDPT mới tiếp tục được xây dựng trên quan điểm coi mục tiêu GDPT là giáo dục con người toàn diện, giúp học sinh phát triển hài hòa về đức, trí, thể, mỹ. Về phương châm giáo dục, Chương trình GDPT mới kế thừa các nguyên lý giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục ở nhà trường kết hợp với giáo dục ở gia đình và xã hội”.

Về nội dung giáo dục, bên cạnh một số kiến thức được cập nhật để phù hợp với những thành tựu mới của khoa học - công nghệ và định hướng mới của chương trình, kiến thức nền tảng của các môn học trong Chương trình GDPT mới chủ yếu là những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại, được kế thừa từ Chương trình GDPT hiện hành, nhưng được tổ chức lại để giúp học sinh phát triển phẩm chất và năng lực một cách hiệu quả hơn. Về thời lượng dạy học, tuy chương trình mới có thực hiện giảm tải so với chương trình hiện hành nhưng những tương quan về thời lượng dạy học giữa các môn học không có sự xáo trộn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Hướng đến giáo dục toàn diện ảnh 1 Tiết học môn Vật lý với thiết bị trợ giảng thực tế của giáo viên tại Trường THCS - THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chương trình GDPT hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.

Với Chương trình GDPT mới, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. 

Học sinh được chọn nội dung học tập

Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Đồng thời thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. 

Tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý

Với Chương trình GDPT mới, chương trình môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời. Mỗi chủ đề nói trên vận dụng kiến thức của một ngành khoa học, tạo điều kiện cho giáo viên vốn được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm có thể thực hiện chương trình.

Chương trình còn có một số chủ đề đòi hỏi tính tích hợp cao như biến đổi khí hậu, giáo dục sức khỏe, giáo dục STEM, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Còn chương trình môn Lịch sử và Địa lý gồm 2 phân môn Lịch sử, Địa lý; nội dung của mỗi phân môn vừa bảo đảm tính độc lập tương đối vừa hỗ trợ cho nhau. 

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục của địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và cấp THPT, nội dung giáo dục của địa phương có thời lượng 35 tiết/năm học, tổng thời lượng trong cả 7 năm học là 245 tiết. Căn cứ nhu cầu thực tế, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp.

Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình. Chương trình GDPT mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục, triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của cơ sở giáo dục.

Điểm nổi bật là chương trình mới giảm tải so với chương trình hiện hành. Chương trình GDPT mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”, bao gồm giảm số môn học và hoạt động giáo dục. Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành. Cùng với đó, giảm số tiết học. Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Chương trình mới cũng giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn. 

Đặc biệt, lần đầu tiên, chương trình GDPT của nước ta chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm học, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay, đối với cấp tiểu học là cấp học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn đối với những trường chưa có điều kiện dạy học 2 buổi/ngày.

Đối với cấp THPT là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định: “các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường”.

Muốn thành công, phải chuẩn bị kỹ

Xã hội vẫn đang trông chờ những thay đổi mang tính tích cực, cơ bản và toàn diện đối với ngành giáo dục. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với nhiều thay đổi theo hướng giảm bớt các môn học, giáo dục học sinh toàn diện hơn, các nhà giáo, cán bộ quản lý đã nêu ra nhiều ý kiến đóng góp đáng quý. 

Thầy TRỊNH DUY TRỌNG, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh: Đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng

Chương trình các môn học vừa được Bộ GD-ĐT công bố nhưng thật ra đội ngũ giáo viên, đặc biệt là cán bộ quản lý, đã có thời gian dài tiếp cận chương trình GDPT tổng thể. Các thầy cô giáo không quá bất ngờ với nội dung các môn học và đón nhận chương trình với tâm thế sẵn sàng thực hiện. Trong đó, tất cả môn đều được xây dựng theo định hướng đổi mới, hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Vấn đề ở đây là sau khi có chương trình chi tiết các môn học, việc cụ thể hóa chương trình thông qua biên soạn sách giáo khoa và thực tế tổ chức hoạt động giảng dạy ở các đơn vị trường học như thế nào để đạt hiệu quả. Riêng đối với bậc THPT, mặc dù đến năm học 2022-2023 chương trình mới bắt đầu áp dụng ở lớp 10 nhưng thời điểm hiện tại, tất cả giáo viên đều có chung tâm trạng háo hức chuẩn bị.

Từ đây đến thời điểm triển khai còn hơn 3 năm, trước mắt các giáo viên vẫn tiếp tục thực hiện chương trình GDPT hiện hành nhưng theo định hướng đổi mới, để đến năm 2022 có thể kịp thời bắt nhịp và thực hiện tốt ngay từ năm đầu tiên thực hiện chương trình.

Về lo ngại sẽ xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở từng môn học, tôi cho rằng đó không phải trở ngại lớn. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn để các đơn vị có thể hình dung rõ nét hơn về các hoạt động giáo dục, cũng như phân công đội ngũ giáo viên phù hợp điều kiện thực tế tại đơn vị. Trong đó, tùy theo điều kiện thực tế của đội ngũ và cơ sở vật chất, trường học có thể tổ chức những tổ hợp môn học tự chọn cho học sinh lựa chọn. 

Nhà giáo ưu tú NGUYỄN HOA MAI, Hiệu trưởng hệ thống Trường TH-THCS-THPT Việt Úc: Bản thân người thầy phải có năng lực

Tôi đánh giá Chương trình GDPT mới có nhiều yếu tố tích cực, đáp ứng được các yêu cầu đổi mới của giáo dục như hội nhập, sáng tạo, tăng cường phát triển năng lực người học. Trong đó, tôi đặc biệt đánh giá cao sự tích cực của ban soạn thảo trong việc thay đổi cách tiếp cận, thay đổi từ giáo dục nặng về kiến thức, tính hàn lâm sang phát huy năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế của người học. Đây là điểm hạn chế hàng chục năm qua giáo dục Việt Nam chưa khắc phục được. Tuy nhiên, để tạo ra những học sinh có năng lực thì bản thân người thầy phải có năng lực, tức đổi mới đầu tiên và cũng là quan trọng nhất xuất phát từ chính người thầy. 

Trong quá khứ, đã từng có những giai đoạn, Bộ GD-ĐT và các sở, ngành chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy như bước đầu đưa phương pháp tích hợp, tích hợp liên môn, giáo dục trải nghiệm, giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học cũng như một số nội dung về phát triển kỹ năng vào chương trình học. Tuy những cố gắng này chưa triển khai đồng bộ nhưng nhìn chung đây là những bước phát triển rất tốt, làm tiền đề để thực hiện Chương trình GDPT mới.

Song, để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới, theo tôi phải có sự chuẩn bị kỹ về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Một vấn đề không kém phần quan trọng nữa là tài chính, vì muốn đổi mới, phải có điều kiện tổ chức. Đơn cử như các môn học trải nghiệm, phải có kinh phí đưa học sinh tiếp cận môi trường thực tế, hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, liên quan đến tài chính phải thực hiện có lộ trình vì vấn đề này cũng còn nhiều ý kiến trái chiều khi xây dựng dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục