Chung tay xây nền nông nghiệp sạch

Mỗi năm tại Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng tới 30.000 tấn thuốc diệt cỏ để sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân phun lên đồng ruộng. Đó là thông tin mà ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, vừa đưa ra, sau khi dư luận bàng hoàng trước phán quyết của Tòa án bang California (Hoa Kỳ) về một hoạt chất có trong sản phẩm thuốc diệt cỏ của Tập đoàn Monsanto được cho là thủ phạm gây ung thư cho một người làm vườn ở Hoa Kỳ. Số tiền buộc yêu cầu bồi thường rất lớn, gần 300 triệu USD, nhưng cũng không thể cứu được tính mạng của nạn nhân mắc ung thư. 

Hoạt chất có trong thuốc diệt cỏ gây ung thư tại Hoa Kỳ là glyphosate lại chiếm tới 60% lượng thuốc diệt cỏ tại Việt Nam và phần lớn do Monsanto cung cấp. Hiện nay, Bộ NN-PTNT mới chỉ dừng cho phép đăng ký mới chứ chưa có lệnh thu hồi, ngăn cấm. Sự thật vẫn chưa thực sự ngã ngũ, nhưng nếu thuốc diệt cỏ chính xác là thủ phạm gây ung thư thì quả rất đáng báo động cho vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường nông nghiệp ở Việt Nam. 

Chưa cần bàn chuyện thuốc diệt cỏ gây ung thư hay không nhưng nhiều năm qua, tại Việt Nam, các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng... bị lạm dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Bởi các hóa chất, kim loại nặng có thể tồn dư trong nông sản, thủy sản, thực phẩm rồi đi vào cơ thể người qua đường ăn uống. Tỷ lệ người bị ung thư hiện nay gia tăng đáng kể so với trước cũng được nhiều người cho là do thực phẩm bẩn, độc hại, lạm dụng hóa chất cấm. 

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV vừa qua, khi Bộ NN-PTNT và Chính phủ trình Quốc hội 2 dự án Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi, rất nhiều đại biểu đã lên tiếng về một nền nông nghiệp đầy bất an và ẩn họa khi bị lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm mất an toàn. Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, môi trường nông nghiệp đang bị đe dọa khi thực tế không chỉ khó quản lý danh mục hàng ngàn loại thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh mà cả phân bón cũng đang đầu độc đồng ruộng. Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng tới 10 triệu tấn phân bón vô cơ (tức là loại phân bón được làm từ hóa chất), chiếm tới 93,7% tổng các loại phân bón. Còn lại chỉ có 6,3% là phân bón an toàn (hữu cơ và sinh học). Chất thải chăn nuôi cũng đang trở thành hiểm họa, gần như không được xử lý, xả trực tiếp ra môi trường. Thực tế các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đầu tư hệ thống chăn nuôi chính là di dời ô nhiễm vào Việt Nam. Cùng với hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón làm ô nhiễm nguồn nước, nhiều ngôi làng ung thư đã xuất hiện bị nghi ngờ là do nguồn nước bị ô nhiễm. 

Để cứu một nền nông nghiệp đang bị đầu độc bởi hóa chất, có quá nhiều việc để làm và không thể trông chờ doanh nghiệp và người nông dân tự điều chỉnh, thay đổi tập quán, thói quen khi năng suất và lợi nhuận gắn chặt với nhau. Chính các cơ quan quản lý nhà nước phải sử dụng công cụ, chính sách để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp. Trong đó, phải mạnh tay loại bỏ các hóa chất độc hại, xử lý trách nhiệm của cơ quan đã cấp phép bừa bãi cho doanh nghiệp nhập khẩu hoặc sử dụng hóa chất cấm, có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng. 

Về lâu dài, phải xây dựng lộ trình, kịch bản cho một nền nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường, phát triển bền vững, coi trọng chất lượng để xuất khẩu hơn là chạy theo năng suất. Nông nghiệp hữu cơ chính là chìa khóa để mở ra một nền nông nghiệp an toàn, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường. Tại hội nghị mở màn vào tháng 12-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thể hiện thái độ sống có trách nhiệm với cộng đồng, với các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch không phải chỉ để phục vụ người giàu. Thủ tướng yêu cầu xây dựng một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục