Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Song song với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TPHCM đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường phát sinh, điển hình như số lượng chất thải gia tăng, trong đó có chất thải sinh hoạt. 

Để giải quyết thực trạng này, UBND TP đã triển khai kế hoạch giảm sử dụng rác thải nhựa và đẩy mạnh thực hiện phân loại rác thải tại nguồn đến các quận huyện, sở ban ngành, hội phụ nữ và từng hộ gia đình. 

Mỗi người góp một tay

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM, thời gian qua, chung tay với thành phố, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, kêu gọi đẩy mạnh thực hiện phân loại rác tại nguồn.

Các cấp hội hưởng ứng bằng nhiều hình thức như hội thi, diễn tiểu phẩm, viết bài về cách làm hay… qua các sự kiện tổ chức thường niên, như “Ngày phụ nữ vì cộng đồng”, “Ngày phụ nữ sáng tạo”, phong trào gia đình trồng cây xanh…

Đặc biệt, đối với công trình “300 tuyến đường, hẻm sạch”, đến nay đã xây dựng được 214 tuyến đường đạt tiêu chí sạch ngõ, văn minh đô thị. Đồng loạt tại nhiều quận huyện, các cấp hội đều tổ chức những hoạt động đổi rác thải nhựa lấy túi môi trường, phát động mang bình nước cá nhân, phân loại rác tại nguồn.

Đơn cử như quận Bình Thạnh đã triển khai mô hình “Vận động hội viên, phụ nữ và người dân thực hiện hẻm không rác”; huyện Củ Chi cũng triển khai hoạt động kêu gọi “Không xả rác vì thành phố xanh, sạch”; UBND quận 6 ra quân phát tờ rơi, thu gom rác dọc tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm…

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa ảnh 1 TPHCM quyết định hạn chế dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các cuộc họp ở cơ quan nhà nước

Không dừng lại ở đó, Hội LHPN TP cũng định hướng hội LHPN 24 quận huyện tiếp tục củng cố, duy trì 400 Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, với hơn 10.649 thành viên là lực lượng nòng cốt, để tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hội chủ động phối hợp với Sở TN-MT tổ chức tập huấn tại các quận huyện cho các cán bộ hội, tuyên truyền viên, thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, thương nhân tại các chợ truyền thống về bảo vệ môi trường, xử lý, phân loại rác tại nguồn, chống rác thải nhựa.

Ngoài ra, Hội LHPN TPHCM cũng đã phối hợp với Sở Công thương phát động phong trào “Người kinh doanh văn minh” với 5 tiêu chuẩn cụ thể đối với khu vực chợ, trong đó có các tiêu chí về đảm bảo vệ sinh môi trường nơi buôn bán.

Nhân rộng mô hình hay

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết công tác kêu gọi, vận động cộng đồng tham gia giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn đang là vấn đề cấp bách và cũng rất khó khăn khi triển khai thực hiện.

Để hoạt động phân loại rác tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa thực sự lan tỏa, mỗi cá nhân, mỗi cơ quan nhà nước, đơn vị hãy cùng chung tay thay đổi nhận thức, xây dựng thói quen sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường cũng như ý thức không xả rác ra đường, kênh rạch, góp phần xây dựng thành phố văn minh sạch, đẹp.

Hiện nay, các hộ gia đình chi trả khoảng 15.000 - 20.000 đồng/hộ/tháng cho khâu thu gom rác, phần còn lại là ngân sách nhà nước chi trả. Còn mức giá 150.000 đồng mà chủ nguồn thải, hộ gia đình tự chi trả, theo quy định sẽ áp dụng vào năm 2020, nhưng TPHCM có lộ trình dời việc áp dụng mức giá này đến năm 2022. 

Trao đổi về lĩnh vực này, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho rằng để việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa thực sự lan tỏa và có hiệu quả, thành phố cần tuyên truyền đúng cách, đúng từng đối tượng.

Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần; cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường; tăng cường giáo dục về môi trường đến học sinh, sinh viên để tạo thói quen bảo vệ môi trường.

Đồng thời, hội phụ nữ cũng luôn ghi nhận và đóng góp ý kiến, giải pháp của các đơn vị, cá nhân để có những giải pháp hữu hiệu góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của hộ gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm sử dụng rác thải nhựa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thay đổi hành vi, thói quen, phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Tin cùng chuyên mục