Chung kết cuộc thi Văn hay chữ tốt cấp thành phố năm 2017: Đề thi mở, mới lạ, thực tế

Cuộc thi năm nay được tổ chức mới lạ, sáng tạo, kết hợp quan sát thực tế gắn với việc sử dụng tư liệu làm bài.
Thí sinh tại phòng thi Trường Trần Đại Nghĩa - Ảnh: VIỆT NGA
Thí sinh tại phòng thi Trường Trần Đại Nghĩa - Ảnh: VIỆT NGA

Sáng 4-11, cuộc thi Văn hay chữ tốt lần thứ 18, năm học 2017-2018, vòng chung kết cấp thành phố được tổ chức. 144 thí sinh tuyển chọn từ 24 quận, huyện tham gia cuộc thi.

Lễ khai mạc cuộc thi tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3. Ảnh: VIỆT NGA
Cuộc thi năm nay được tổ chức mới lạ, sáng tạo, kết hợp quan sát thực tế gắn với việc sử dụng tư liệu làm bài.
Chung kết cuộc thi Văn hay chữ tốt cấp thành phố năm 2017: Đề thi mở, mới lạ, thực tế ảnh 2
Đề thi khối 6-7 và 8-9 được ra theo hình thức mới lạ, sáng tạo
Sau khi dự lễ khai mạc tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), nghe Ban Tổ chức phổ biến nội quy cuộc thi, thí sinh được đưa ra 4 xe buýt về địa điểm thi ở cơ sở 2 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (ở phường Bình Khánh, quận 2, TPHCM).
Đề thi được phát trên xe, thí sinh đọc yêu cầu và quan sát lộ trình xe di chuyển để ghi chép cảm xúc, chú thích tên đường, địa danh đi qua… phục vụ tư liệu làm bài.
Thí sinh tại phòng thi Trường Trần Đại Nghĩa. Ảnh: VIỆT NGA
Thật xúc động, khi được phát đề thi trên xe, cầm đề thi, thí sinh Phạm Bảo Phi, học sinh lớp 7/9 Trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8) tỏ ra đăm chiêu, nét mặt đượm buồn. Hỏi ra mới biết, em bị khuyết tật phải đến trường thi trên chiếc xe lăn do người bố đẩy.
Ông Phạm Trọng Toàn, bố cháu Phi, cho biết, trong một lần bệnh phải mổ, cháu bị di chứng liệt hai chi dưới từ lúc 5 tuổi đến giờ.

Em Trần Ngọc Thiên Kim, lớp 7/11 Trường THCS Tô Ký (Hóc Môn) nghiền ngẫm yêu cầu đề bài và “Quan sát, lắng nghe cuộc sống suốt hành trình trải nghiệm thực tế từ trung tâm thành phố đến khu đô thị mới Thủ Thiêm để viết bài văn với một trong hai nhan đề: Cuộc sống qua ô cửa xe buýt hoặc Sắc màu thành phố tôi yêu” (đề thi khối 6-7).

Cũng từ hành trình trải nghiệm thực tế từ trung tâm thành phố đến khu đô thị mới Thủ Thiêm, thí sinh khối lớp 8-9 quan sát, lắng nghe cuộc sống, kết nối thông tin, cảm xúc... để viết bài văn: Cảm nhận cuộc sống qua “góc nhìn trẻ, tư duy trẻ” (đề thi khối 8-9).

Đến cơ sở 2 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, thí sinh xuống xe, bước lên tầng 3 của trường để quan sát cảnh vật xung quanh, rồi ghi nhận thêm cảm xúc cho viết bài. Đứng trên tầng cao các em được nhìn tổng thể chợ Bình Khánh, đại lộ Mai Chí Thọ, dự án 17,3ha khu tái định cư khu đô thị mới, các chung cư thương mại cao cấp; các tòa cao ốc đồ sộ, khang trang… Qua đó, giúp các em nhìn thấy rõ sự đổi thay của thành phố mình đang sống.

Thí sinh Phạm Bảo Phi, học sinh lớp 7/9 Trường THCS Tùng Thiện Vương (quận 8) đến trường thi trên chiếc xe lăn do người bố đẩy. Ảnh: VIỆT NGA
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Trung học phổ thông Sở GD-ĐT cho biết: “Đề thi Văn hay chữ tốt không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng cuộc thi. Năm nay, đề đổi mới cả hình thức lẫn nội dung. Về hình thức, các em được trải nghiệm, được ngắm thiên nhiên, cuộc sống thực tế để lấy cảm hứng, tư liệu làm bài. Các em được làm bài trong không gian tự do, không gò bó trong khuôn khổ phòng thi, được tự do di chuyển, trao đổi thông tin với bạn bè (không phân phòng thi, chỉ bố trí các phòng, học sinh tự do lựa chọn phòng mình ngồi, chỗ mình ngồi). Các em có thể vừa làm bài, vừa quan sát cuộc sống, cảnh vật… Về nội dung, đề thi mở, gắn với cuộc sống, đề cao tính sáng tạo, hướng đến việc kết nối thông tin, cảm xúc. Học sinh tự do quan sát, trải nghiệm và viết theo góc nhìn riêng của mình. Đề thi chính là hành trình từ trải nghiệm cuộc sống đến sáng tạo văn chương”.
Lễ trao giải cuộc thi Văn hay chữ tốt cấp thành phố được tổ chức vào sáng 5-11, tại Hội trường Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM, 66-68 Lê Thánh Tôn, quận 1.

Tin cùng chuyên mục