“Chúng con rất thích học giờ của cô…”

Đó là những lời khen dành cho các cô giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Họ không chỉ giỏi nghề, sáng tạo trong từng tiết dạy, giờ thực hành, mà còn truyền lửa đam mê, giúp học sinh thích học, say mê khám phá kiến thức và tỏa sáng thành tích ở các cuộc thi tài năng.
“Chúng con rất thích học giờ của cô…”

Đó là những lời khen dành cho các cô giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm nay. Họ không chỉ giỏi nghề, sáng tạo trong từng tiết dạy, giờ thực hành, mà còn truyền lửa đam mê, giúp học sinh thích học, say mê khám phá kiến thức và tỏa sáng thành tích ở các cuộc thi tài năng.

Món quà tri ân từ học trò

“Kỷ niệm ngày mới ra trường và lần đầu tiên cập bến đò Cần Giờ để đến Trường THCS An Thới Đông dạy học khiến tôi nhớ mãi. Suốt 4 năm trải nghiệm khó khăn, làm quen với sình lầy, thiếu thốn ở ngôi trường vùng xa này, tôi đã cảm nhận được niềm vui, ân tình sâu nặng mà nghề giáo đã mang lại. Những học trò ngày ấy của tôi nghèo lắm, thường đi chân đất đến trường nhưng chân tình và dạt dào tình cảm. Ngày nhà giáo 20-11, các em chỉ có thể tặng thầy cô món quà chân quê với vài củ khoai lang, ký gạo nếp mới… Nhưng nó khiến giáo viên chúng tôi cảm động thực sự. Và niềm khát khao học chữ, vượt khó đến trường của các em đã giúp tôi thêm yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp trồng người” - đó là tâm sự của cô Nguyễn Thị Thường Nga, giáo viên dạy môn Hóa, Trường THCS Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, TPHCM.

Sau khi chia tay học sinh Cần Giờ, cô Nga chuyển về nội thành TPHCM dạy học và gắn bó với nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi bộ môn Hóa của quận Tân Bình từ năm 1998 đến nay. Không thể kể hết sự đóng góp của cô đối với công tác bồi dưỡng tài năng trẻ suốt 25 năm qua và nhiệt huyết này đã tạo nên “mùa bội thu” giải thưởng cao cho trường lẫn quận. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, cô Nga đã dẫn dắt đội tuyển giỏi Hóa tranh tài ở cuộc thi cấp TP, giành 26 giải nhất, 40 giải nhì, 33 giải ba. Ở cương vị tổ trưởng chuyên môn Lý - Hóa - Sinh, cô không chỉ tỏa sáng về chuyên môn, sáng kiến dạy hay mà còn hết lòng với đồng nghiệp, bồi dưỡng nhiều giáo viên đạt danh hiệu giỏi cấp trường, cấp quận và TP. Với học sinh ở Trường THCS Hoàng Hoa Thám, những tiết học môn Hóa cùng cô Nga luôn mang lại hứng thú, niềm vui được mày mò, khám phá kiến thức mới, ứng dụng thực tế từ thí nghiệm, phản ứng hóa học… Và những lời thỏ thẻ: “Cô ơi con thích học với cô…” luôn là niềm khích lệ, tri ân đối với cô Nga.


Cô Trần Thị Thu Cúc hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm
 
Tương tự, cô Trần Thị Thu Cúc, giáo viên môn Sinh học Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) cũng để lại nhiều ấn tượng cho các thế hệ học trò bằng những tiết dạy học sáng tạo. Để học sinh yêu thích môn học này, cô luôn tiên phong ứng dụng công nghệ giáo dục mới, dạy học theo dự án, chủ đề. Những tiết học môn Sinh được cô đầu tư công phu luôn sinh động, giàu hình ảnh, tư liệu phong phú và nó giúp học sinh hào hứng tiếp thu kiến thức mới. Hơn nữa, từ cách dạy và học theo hướng tích cực, sáng tạo đã kích thích học sinh tự học, tự nghiên cứu và tự tin thuyết trình về đề tài của mình. Từ vườn ươm đam mê học môn Sinh, nhiều học sinh đã tự nguyện tham gia đội tuyển học sinh giỏi do cô hướng dẫn và làm nên thành tích đáng tự hào ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp quận, cấp TP. Điều khiến cô vui hơn là trong nhiều “hạt giống” này, có nhiều em thi đậu vào Trường ĐH Y hoặc ngành sinh học. Cô Cúc bộc bạch: “Sự trưởng thành, vững bước vào đời của học trò là niềm vui và cũng là món quà tri ân đối với tôi và các nhà giáo”.

Học sinh hứng thú là nguồn cảm hứng sáng tạo

Với cô Trần Ngọc Quyên, thạc sĩ Vật lý, Trường Bồi dưỡng giáo dục quận Tân Phú, thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi 3  môn Lý, Hóa, Sinh cũng nở rộ như vườn hoa khoe sắc. Suốt 9 năm qua, đội tuyển giỏi Lý do cô dẫn dắt luôn đạt thành tích cao trong cuộc thi học sinh giỏi cấp quận và TP. Chỉ riêng năm học trước đã có 16 học sinh đạt giải cao nhất cuộc thi môn Lý và 35 học sinh giỏi Hóa, Sinh cấp TP. Không những thế, cô còn góp sức đổi mới giáo dục thông qua sáng kiến làm mới cách dạy học, vận dụng hiệu quả phương pháp “bàn tay nặn bột” trong môn Vật lý, rồi nhân rộng sang nhiều môn học khác. Ấn tượng hơn là sân chơi Vật lý - “Hội thi vui học Vật lý” do cô tạo dựng được Hội Vật lý TPHCM đánh giá cao.

Để học sinh say mê, hứng thú học môn Lý, cô luôn tìm tòi và ứng dụng những gì “nóng’ nhất nhằm biến lý thuyết khô khan thành những trò chơi hấp dẫn, lôi cuốn học trò. Nhờ cách dạy học mới lạ, mô phỏng theo các gameshow truyền hình, trò chơi trí tuệ, học sinh của cô tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng và sâu hơn. Với cách học sáng tạo, thoát khỏi lối mòn thụ động, các em biết áp dụng kiến thức đã học lý giải những hiện tượng vật lý xảy ra trong cuộc sống. Chia sẻ kinh nghiệm dạy giỏi và niềm vui ấp ủ những ý tưởng mới, sáng tạo trong dạy học, cô Quyên nói rằng:  “Học sinh thích học và học giỏi luôn là nguồn cảm hứng để tôi cố gắng, tìm tòi những gì tốt nhất truyền đạt cho các em”.

Cô Nguyễn Thị Thường Nga trò chuyện với học sinh

Với môn học tinh thần - âm nhạc, cô Nguyễn Thị Ái Chiêu, Trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 9) đã truyền cảm hứng cho học trò vùng ven sự thích thú lẫn đam mê học hát dân ca. Là giáo viên dạy giỏi cấp TP về môn âm nhạc, cô luôn tâm huyết với nghề đã chọn và thắp lửa để phát triển phong trào văn nghệ của trường lẫn quận. Theo cô, dạy âm nhạc, dạy món ăn tinh thần cho học sinh phải biết truyền tải tình cảm, tạo được sự vui nhộn, kích thích các em thấy cái hay của bộ môn nay. Để các em thẩm thấu từng bài hát, lời ca, cô Ái Chiêu không dừng ở việc truyền thụ kiến thức nghệ thuật mà nó còn lồng ghép thêm những bài học về cuộc đời, giai thoại của nhạc sĩ, tính nhân văn của từng tác phẩm âm nhạc. Vượt qua những khó khăn về cơ sở vất chất, điều kiện dạy nhạc ở một trường vùng ven, cô đã giúp học trò của mình cảm thụ về âm nhạc, phát huy tính sáng tạo của các em trong học hát dân ca…

Với thâm niên 31 năm gắn bó với sự nghiệp “gieo con chữ, trồng người”, cô Võ Thị Riễu dạy môn Hóa của Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh không chỉ là tấm gương dạy giỏi, nhiều sáng kiến hay, chắp cánh cho học sinh giỏi tỏa sáng thành tích, mà còn nhiệt tình tham gia phong trào phổ cập giáo dục của địa phương. Nhờ sự tận tụy, nghiêm túc về chuyên môn, dày công sáng tạo trong từng tiết dạy và hết lòng vì học trò, vì sự tiến bộ của từng em, cô đã mang lại niềm vui thích đến trường, thích học, khám phá môn Hóa qua những giờ thực hành, trải nghiệm thực tế. Không chỉ có uy tín về nghề, tác phong chỉn chu của nhà giáo, cô còn là tấm gương về đạo làm con và được tuyên dương là “Người con hiếu thảo”. Tương tự, cô Nguyễn Thị Đỉnh, giáo viên dạy môn Văn, Trường THCS An Thới Đông (huyện Cần Giờ) cũng truyền cảm hứng học môn Văn cho nhiều thế hệ học sinh, giúp các em tỏa sáng năng khiếu ở các cuộc thi học sinh giỏi Văn cấp huyện, TP. Ngoài các sáng kiến như đề tài “Quản lý học sinh trong giờ ngữ văn” và “rèn luyện văn miêu tả”, cô Đỉnh còn năng nổ, nhiệt tình tham gia các phong trào của trường.

Yêu học trò như con và hạnh phúc khi nhìn thấy các con ham học, học giỏi, năng động, các cô lấy đó làm niềm vui, động lực để cố gắng nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp khai sáng - “trồng người” cao cả.

KHÁNH BÌNH

“Chúng con rất thích học giờ của cô…” ảnh 3

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục