Chuẩn mực tôn vinh nghệ sĩ

Việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) cho các nghệ sĩ có nhiều cống hiến được triển khai theo Nghị định 89/2014/NĐ-CP đã tạo động lực quan trọng với đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà.
 Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, thực tế cũng nảy sinh nhiều bất cập.
 
Bất cập lớn nhất phải kể đến là những quy định trọng việc quy đổi huy chương, đếm huy chương để xét tặng NSND, NSƯT. Cứ mỗi mùa xét danh hiệu, nhiều người chạy nháo nhào xin chứng nhận tham gia các vở được HCV để cộng huy chương. Điều đó thật đáng buồn vì nó cào bằng tiêu chuẩn, làm mờ đi những cá tính sáng tạo riêng của nghệ sĩ. Và hệ lụy là giá trị chuẩn mực của các danh hiệu đang ngày một vơi cạn.

Trăn trở về vấn đề này, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho rằng cần có thêm các quy định thời gian từ xét tặng danh hiệu NSƯT đến NSND. Nghị định hiện không quy định sau danh hiệu NSƯT phải có thời gian tối thiểu 5 năm mới được xét danh hiệu NSND. Trong những lần xét tặng danh hiệu vừa qua cho thấy, có nghệ sĩ vừa đạt danh hiệu NSƯT chỉ 1, 2 năm thì tiếp tục đoạt được huy chương, giải thưởng tại các kỳ liên hoan, hội diễn và tiếp tục được xét danh hiệu NSND. “Quy định này vô hình trung làm “nhòe” đi giá trị của danh hiệu NSND. 
Cần xem xét trên cơ sở thời gian và những cống hiến chứ không phải dựa vào số huy chương, giải thưởng để xét tặng…”, NSND Lê Tiến Thọ kiến nghị. Dù biết rõ với nghệ thuật thì “tài năng không đợi tuổi”, song NSND Lê Tiến Thọ cũng như nhiều nghệ sĩ lâu năm thì khắt khe hơn khi cho rằng cần có thời gian giữa 2 lần phong tặng danh hiệu để các nghệ sĩ có độ lắng, qua đó tiếp tục nỗ lực tỏa sáng.

Liên quan tới việc quy đổi giải thưởng trong một số ngành như điện ảnh, sân khấu… cũng nảy sinh một số bất cập. Theo ông Trọng Hùng, nguyên lãnh đạo Cục Điện ảnh, thì cần phân biệt giữa tài năng nghệ thuật và thành tích trong công tác. “Nếu muốn được danh hiệu NSND, NSƯT thì phải có tài năng nghệ thuật, có ít nhất một lần đoạt giải cá nhân. Còn với những nghệ sĩ công tác lâu năm trong ngành, đóng góp vào nhiều tác phẩm thì chỉ nên trao tặng các bằng khen…”- ông Hùng nói. Theo ông, việc quy đổi giải thưởng của một bộ phim cho các thành phần cốt yếu tạo nên tác phẩm đoạt giải ấy cũng không hoàn toàn chính xác bởi tác phẩm xuất sắc thì chưa chắc toàn bộ các thành phần đều xuất sắc. “Có như vậy mới đảm bảo sự công tâm, minh bạch trong xét tặng danh hiệu nghệ sĩ”, ông Trọng Hùng nhấn mạnh.

Thêm nữa, là câu chuyện cũ, nhưng thực tế, với một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù như múa, xiếc hay nhạc giao hưởng thì việc áp dụng những quy chế về huy chương như năm công tác, hay việc quy đổi huy chương…khó có thể áp dụng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Ví như nhạc giao hưởng thính phòng chẳng hạn, trong khi các chuyên ngành khác thì “mưa giải thưởng” thì các nghệ sĩ giao hưởng đã 15 năm chưa có cuộc thi nào được tổ chức. Vì thế, nếu cứ đếm huy chương để trao tặng danh hiệu thì có lẽ các nghệ sĩ của các lĩnh vực đặc thù sẽ luôn phải đứng ngoài cuộc chơi.

Ngoài việc thận trọng để không có tình trạng dễ dãi “cào bằng”, làm cho danh hiệu cao quý trở nên mất thiêng thì cũng cần tránh sa đà vào tình trạng xét danh hiệu thông qua thông tin đại chúng chứ không hẳn về thực chất. Thực tế có nhiều nghệ sĩ hài lại nổi tiếng hơn là những nghệ sĩ ở các sân khấu truyền thống…, khiến nhiều người có tài, có tâm, đau đáu tâm huyết theo đuổi nghệ thuật lại không còn mặn mà, không còn cảm thấy hãnh diện, hạnh phúc khi nhận danh hiệu.

Vẫn biết rằng phần thưởng, sự tôn vinh lớn nhất của người nghệ sĩ là được đứng trên sân khấu, có khán giả của chính mình, được làm nghề bằng cảm xúc, bằng tình yêu, bằng sự đam mê… Song, sự ghi nhận tài năng, cống hiến của các nghệ sĩ vẫn rất cần tôn vinh và phải thật công tâm. 

Tin cùng chuyên mục