Chuẩn bị gì trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? - Bài 2: Công nghiệp 4.0… còn xa

“Công nghiệp 4.0 chưa có gì đâu anh ơi, còn xa lắm…!”. Một cán bộ của Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) và nhiều sinh viên, học viên trường dạy nghề nói như vậy khi chúng tôi đặt ra những vấn đề về lao động, học tập, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
Giới thiệu robot cho học viên Khoa Điện - điện tử Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Ảnh: Hoài Nam
Giới thiệu robot cho học viên Khoa Điện - điện tử Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Ảnh: Hoài Nam

“Chỉ nghe nói” 

Nhiều sinh viên năm cuối Khoa Điện - điện tử của Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng có cùng câu trả lời như vậy khi chúng tôi hỏi: “Có biết gì về công nghiệp 4.0?”. Sinh viên Nguyễn Duy Anh nói: “Có nghe thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và em đang tìm hiểu kỹ hơn về cuộc cách mạng công nghiệp này”. Còn sinh viên Vũ Hoài Ân thì không ngần ngại trả lời ngay: “Cũng không rõ công nghiệp 4.0 là cái gì”…

Theo ông Lê Thành Nhân, Trưởng phòng quản lý doanh nghiệp (Khu Công nghệ cao TPHCM), hiện mỗi doanh nghiệp trong mỗi lĩnh vực khác nhau có cách tiếp cận công nghiệp 4.0 khác nhau. Doanh nghiệp sản xuất đa phần muốn ứng dụng công nghiệp 4.0 vào tự động hóa, sử dụng robot và đưa trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu, hỗ trợ sản xuất. Đi đầu trong cách thức tiếp cận này phải kể đến Công ty Dược phẩm Nanogen (đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo), Tập đoàn Samsung (đưa robot vào các dây chuyền, công đoạn sản xuất có từ 8 - 10 lao động, đã giảm xuống còn 2), Tập đoàn FPT (ứng dụng xe tự hành)...

Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM), các trường cao đẳng, dạy nghề hiện nay đã có gì đâu mà đào tạo nghề cho công nghiệp 4.0. Phải đầu tư rất lớn về thiết bị dạy học, công nghệ cao, tự động hóa. Rồi đội ngũ giảng viên cũng phải đào tạo, huấn luyện trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, khả năng sáng tạo, cách thức tiếp cận với khoa học - công nghệ mới vào những ngành, lĩnh vực mà công nghiệp 4.0 yêu cầu. Cũng theo ông Đặng Minh Sự, TPHCM hiện có gần 200 trường cao đẳng, trung cấp nghề nhưng chỉ có vài trường đã đầu tư, trang bị được một số thiết bị tự động hóa và robot để học viên làm quen với công nghệ, máy móc hiện đại, sau này ra làm việc không bỡ ngỡ...

Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng được UBND TPHCM chọn là trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư mỗi năm vào đây hàng chục tỷ đồng. Trường hiện có hơn 15.000 sinh viên của 9 khoa, trong đó Khoa Điện - điện tử và Cơ khí chế tạo chiếm hơn 20%. Ông Đinh Văn Đệ, Hiệu phó Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, cho biết chủ trương đào tạo công nhân kỹ thuật cao để đáp ứng cho các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn mới có đây thôi.

Đề án xây dựng “Nhà trường thông minh” đang được soạn thảo và tháng 11 tới sẽ tổ chức hội thảo khoa học để thảo luận, góp ý cho đề án này. Còn về công nghiệp 4.0 thì mới dừng lại ở nhận thức và định hướng của Đảng ủy, Ban giám hiệu trường đối với các khoa, phòng của trường…

Ngoài Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Trường Cao đẳng nghề TPHCM cũng được chọn là trường trọng điểm đào tạo nguồn nhân lực với 14 ngành nghề mũi nhọn. Thế nhưng, tới nay vẫn chưa có đầu tư gì đáng kể để đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật cao theo yêu cầu của công nghiệp 4.0. Ông Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thiết bị dạy về tự động hóa, robot mới chỉ có mô hình để sinh viên học. Trường chưa tìm được đối tác đầu tư hay tổ chức, doanh nghiệp nào cùng hợp tác trang bị, mua sắm dây chuyền, thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo những ngành, lĩnh vực mũi nhọn”.

“Công nghiệp 4.0 đã có ở Việt Nam chưa?”, chúng tôi hỏi. Ông Kim Tuyền đáp: “Có rồi, ở ngay trong trường này, nhưng chúng tôi chỉ mới định hướng cho sinh viên biết và chuẩn bị cho mình những kiến thức, khả năng tiếp nhận công nghiệp 4.0 sau khi ra trường”…

Cạnh tranh và đào thải

Trở lại Công ty Mtex (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) mà chúng tôi đề cập trong bài trước, thực chất công nghiệp 4.0 đã có mặt ở doanh nghiệp này từ gần 10 năm nay nhưng từ người thợ đến đội ngũ quản lý là người Việt Nam phần lớn đều không biết, nếu biết cũng còn rất mơ hồ. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng quản lý kiêm Bí thư chi bộ Công ty Mtex, cho biết: “Năm 2010, công ty có hơn 900 lao động, mỗi năm tuyển mới gần 100 nhưng số lao động giảm đã gần 200 người. Hiện công ty có 500 lao động và dự báo những năm tới sẽ tiếp tục giảm mạnh do nhiều công đoạn, dây chuyền lắp ráp linh kiện vi mạch hiện đã được tự động hóa, hoặc được thay thế bởi robot”. 

Do các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong nước chưa đáp ứng được nguồn lao động và chất lượng theo yêu cầu nên nhiều doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao đã tìm cách đưa lao động nước ngoài vào Việt Nam theo danh nghĩa là lao động kỹ thuật dưới dạng chuyên gia và quản lý. Hiện có gần 500 lao động các nước Philippines, Malaysia, Indonesia... đang làm việc trong các doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Dự báo thời gian tới, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh việc đưa lao động kỹ thuật từ các nước trong khu vực ASEAN vào Việt Nam. 

(Nguồn: Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM)

Tại Khu Công nghệ cao TPHCM, quá trình đào thải lao động diễn ra khá rõ và hiển hiện trong từng doanh nghiệp, từng dây chuyền, công đoạn sản xuất. Trong đó, Tập đoàn Nidec (100% vốn đầu tư Nhật Bản) chuyên sản xuất cơ điện có số lao động biến động khá cao trong những năm gần đây. Công ty có hơn 13.000 lao động, mỗi năm tuyển mới khoảng 1.000 lao động nhưng số đào thải lên tới gần 2.000 người. Hơn 70% lao động có trình độ văn hóa 12/12, một số ít 9/12. Cũng như nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam, Tập đoàn Nidec chỉ tuyển lao động trình độ 12/12, sau đó đào tạo từ 3 - 6 tháng về thao tác công nghệ, quản lý chất lượng và tư duy sáng tạo. Yêu cầu của mỗi vị trí làm việc, ngoài kỹ năng thao tác còn phải có khả năng sáng tạo và không ngừng sáng tạo mới có khả năng trụ vững trong dây chuyền sản xuất.

Công nhân Phạm Văn Hùng, phân xưởng Cơ điện của Tập đoàn Nidec, nói: “Công đoạn tôi đang làm hiện có 5 công nhân, tới đây sẽ giảm 1 người do 1 vị trí đã được tự động hóa, làm được 3 thao tác thay cho 1,5 lao động. Sự cạnh tranh diễn ra trong từng người thợ, ai cũng có thể bị máy móc thay thế bất cứ lúc nào…”.

Theo ông Lê Thành Nhân, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp, Khu Công nghệ cao TPHCM, các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao ít có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, trung cấp nghề. Mỗi năm Trung tâm Đào tạo của Khu Công nghệ cao giới thiệu cứ 10 hồ sơ lao động có trình độ này thì họ chỉ tuyển nhận được 3, còn lại từ chối với nhiều lý do; trong đó chủ yếu do khó đào tạo lại, quá trình làm việc chưa phát huy được tính sáng tạo. Số ít được tuyển dụng vào làm việc chỉ thời gian ngắn, sau đó một số lại xin nghỉ việc do không phù hợp với kiến thức, chuyên môn đã học.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn trong việc tuyển dụng lao động và họ đang tìm cách đưa lao động từ các nước Malaysia, Philippines, Indonesia vào Việt Nam làm việc, trong đó có Công ty Nidec và một số công ty lĩnh vực công nghệ cao. Đây là thách thức lớn cho đội ngũ lao động khi Việt Nam tham gia sâu vào thị trường lao động các nước ASEAN với nhiều ràng buộc pháp lý về lao động đối với người nước ngoài được dỡ bỏ. Cạnh tranh và đào thải sẽ ngày càng khốc liệt trong thời gian tới, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tràn vào Việt Nam, có mặt trong các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn của nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục