Chú trọng chất lượng, tính thực tiễn trong đầu tư sáng tác âm nhạc

Sáng tác âm nhạc luôn đòi hỏi ở người nghệ sĩ những sản phẩm chất lượng, mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ và thực tiễn, góp phần làm cho tác phẩm có được sức sống trong đời sống âm nhạc, đồng thời đáp ứng nhu cầu xã hội. 
Trên những tiêu chí cơ bản và quan trọng đó, Hội Âm nhạc TPHCM đã đầu tư vào 2 đợt vận động sáng tác: viết theo chủ đề Học tập và làm theo tấm gương, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh; sáng tác ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca. Các chuyến đi thực tế đến di tích lịch sử, bảo tàng, địa chỉ đỏ, làng nghề... đã tạo nhiều điều kiện để các nhạc sĩ được gặp gỡ, trao đổi chuyên môn, tìm kiếm cảm xúc, chất liệu sáng tác từ đời sống thực tế, phục vụ cho công việc sáng tạo nghệ thuật. 
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM, nhận định: “Trong công việc sáng tạo nghệ thuật, không có đề tài nào là dễ cả. Với đề tài về Học tập và làm theo tấm gương, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, hội thường chọn đặt hàng các nhạc sĩ có tuổi, vì các anh có nhiều kinh nghiệm, cuộc đời tích lũy được nhiều cảm xúc, tình yêu quê hương sâu sắc, cảm xúc thẩm mỹ được nâng lên thành tình cảm thẩm mỹ, nhận thức thẩm mỹ và bằng tài năng, các anh bắt tay sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm chất lượng”.
Đặc biệt, việc đầu tư sáng tác tác phẩm nghệ thuật được định hướng về việc vận dụng bản sắc dân tộc, từ hòa âm phối khí đến biểu diễn... để nâng cao chất lượng của tác phẩm, giúp người nghe cảm nhận được giai điệu, chất liệu mà tác giả đã chắt lọc đưa vào trong các ca khúc mới. Những tác phẩm âm nhạc ra đời từ các cuộc vận động, đảm bảo được tính định hướng, có chất lượng nghệ thuật, tính thẩm mỹ, gần gũi và gắn bó với đời sống thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của con người thời đại mới. 
Chú trọng chất lượng, tính thực tiễn trong đầu tư sáng tác âm nhạc ảnh 1 Những giai điệu âm nhạc dân tộc luôn có khán giả riêng
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc TPHCM, cho biết: “Việc đẩy mạnh phát động sáng tác dòng nhạc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca, dân gian các vùng miền là để đáp ứng nhu cầu cuộc sống tinh thần của trẻ thơ hôm nay. Các tác phẩm được định hướng viết theo tâm tư, suy nghĩ, góc nhìn của trẻ thơ với sự việc, sự vật, con người và đời sống xung quanh các em. Chú trọng sáng tác ca khúc thiếu nhi cũng là cách làm trả các em thiếu nhi về với thế giới tuổi thơ của chính các em, để các em được ca hát những bài hát phù hợp lứa tuổi. Trong năm, có 30 ca khúc mới đã ra đời”.
Đây cũng là hành động thiết thực của Hội Âm nhạc TPHCM, thể hiện sự không đồng tình với những chương trình game show “bắt” các em thiếu nhi hát những bài hát người lớn, những ca khúc não tình, không phù hợp với lứa tuổi. Trong thời gian qua, các sáng tác mới đã được đưa vào trong các chương trình giao lưu biểu diễn với các nhà thiếu nhi, các mái ấm tình thương, cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi..., kết hợp vận động tác giả và các mạnh thường quân chung tay tặng quà cho các em.
Tuy nhiên, những ca khúc mới chất lượng vẫn đang trên đường chinh phục khán giả nhỏ tuổi, thông qua các chương trình giao lưu biểu diễn ca múa nhạc thiếu nhi, liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè. Như vậy, rất cần sự chung tay phối hợp giữa Hội Âm nhạc TPHCM và các đơn vị như Nhà thiếu nhi TPHCM, các nhà thiếu nhi 24 quận huyện, các trung tâm văn hóa, trường học… nhằm giúp quảng bá tác phẩm sâu rộng hơn.

Tin cùng chuyên mục