Chủ tịch Quốc hội: Băn khoăn lớn nhất là sách giáo khoa

"Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?" - Ý kiến này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi diễn ra hôm nay (12-3).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp

Sách giáo khoa tiếp tục là nội dung có nhiều ý kiến tranh luận tại phiên họp này. Băn khoăn về sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Nghị quyết 88 nêu rõ định hướng “thực hiện xã hội hoá sách giáo khoa. Có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Nghị quyết 29 của Trung ương thì không nói cụ thể như vậy".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: "Không thể phê phán ban soạn thảo và Chính phủ thoát ly Nghị quyết, định hướng nhưng làm thế nào phải phù hợp thực tế. Làm nhiều bộ sách chắc chắn sẽ xảy ra xu hướng, tình trạng “chạy” sau này của các đơn vị biên soạn sách giáo khoa để bộ sách của mình được sử dụng. Như vậy thì lãng phí, có đáng không?".

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật được Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày tại phiên họp, hiện nay, quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88 của Quốc hội khoá 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Dự thảo luật cũng quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình, sách giáo khoa. 

Cũng bàn về sách giáo khoa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thẳng thắn nêu nhận xét: “Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa nhưng dự luật đến nay vẫn chưa thể hiện trách nhiệm của Bộ GD-ĐT với việc làm bộ sách “chuẩn” cũng như việc tổ chức quản lý sử dụng để đảm bảo bình đẳng, công bằng với các chủ thể biên soạn sách giáo khoa khác.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các nội dung và các ý kiến thảo luận của UBTVQH tại phiên họp hôm nay để tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng lại một lần nữa trước khi thảo luận các nội dung lớn của dự thảo Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dự kiến sẽ tổ chức vào ngày 4-4 tới.

Theo dự thảo Luật, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục thông qua. Sách giáo khoa là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Dự thảo Luật cũng đã quy định về tiêu chuẩn, quy trình thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong cả nước và được triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Chính phủ phải trình UBTVQH trước khi quyết định việc thí điểm chính sách mới trong giáo dục mà việc thí điểm đó ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước (Điều 104).

Tin cùng chuyên mục