Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Từng mét đất của Đà Nẵng được báo chí “soi” rất kỹ

Ngày 7-7, các Giám đốc Sở Tài Chính, Sở TT-TT trả lởi chất vấn các vấn đề về chủ trương giữ xe miễn phí tại các bệnh viện công, giao thông đô thị, công tác quản lý báo chí trên địa bàn TP Đà Nẵng. 
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: "từng mét đất của thành phố được các phóng viên soi rất kỹ"
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh: "từng mét đất của thành phố được các phóng viên soi rất kỹ"
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021, ngày 7-7, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng nhận thêm câu hỏi chất vấn về ý định bỏ miễn phí giữ xe tại các bệnh viện công lập.
Vẫn tiếp tục giữ xe miễn phí cho người nghèo
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thắng Lợi về việc giữ xe miễn phí tại các bệnh viện công, ông Phụng cho biết, ngân sách thành phố đã đầu tư cho công tác nhân công phục vụ giữ xe 6 năm qua, mỗi năm đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Đây không phải là khó khăn với ngân sách thành phố. Qua 6 năm, chủ trương miễn phí giữ xe đã giúp đỡ cho tất cả người dân có nhu cầu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập. Bên cạnh đó, cũng nảy sinh một số bất cập như: Nhiều người đến gửi xe tại bệnh viện công lập tất nhiên có nhu cầu đến khám bệnh nên vào gửi xe, nhưng hạ tầng trông giữ xe nhếch nhác, chưa đảm bảo mỹ quan nên có những hạn chế và rất nhiều khó khăn.
Nghị quyết trước đây của HĐND TP Đà Nẵng về chủ trương này thực hiện theo Pháp lệnh Phí và Lệ Phí. Đến năm 2015, Quốc hội thông qua Luật Phí, lệ phí có quy định danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá trong đó có phí trông giữ xe được chuyển sang dịch vụ trông giữ xe và thực hiện theo Luật Giá. Mặt khác, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương không có nội dung chi trợ giá. Do vậy, theo ông Phụng, nếu không thực hiện nghiêm túc Luật Phí, lệ phí, Luật Giá và Luật Ngân sách khi kiểm toán không chỉ bị xuất toán những khoản chi không đúng quy định, mà còn phải chịu trách nhiệm đối với việc triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Phụng, đây là chủ trương lớn của HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ VII, việc triển khai được 6 năm rồi nên bây giờ cần tuyên truyền để các cơ sở công lập xác định rằng điều kiện trông giữ xe phải ngày càng đảm bảo, khang trang hơn. Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng có tờ trình đề nghị HĐND thành phố xem xét tiếp tục duy trì việc hỗ trợ đến hết 31-12-2017 và UBND TP có trách nhiệm bố trí ngân sách cho các cơ sở công lập tiếp tục duy trì. Cùng với đó, UBND TP cũng đề nghị từ ngày 1-1-2018, bãi bỏ việc miễn phí này để UBND TP tuyên truyền, chỉ đạo các sở, ngành liên quan.
Đồng tình với phần giải trình của Giám đốc Sở Tài chính, nhưng đại biểu Trần Thắng Lợi cho rằng, cần nghiên cứu giải pháp tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân thực sự nghèo được miễn phí giữ xe.
Theo ông Phụng, các bệnh viện công lập có thể triển khai theo 2 phương thức: Nếu tự bố trí được người giữ xe thì đề nghị miễn phí đối với bệnh nhân có bảo hiểm nghèo, khi đó người có bảo hiểm nghèo sẽ được phát phiếu giữ xe miễn phí. Thứ 2, nếu bệnh viện công lập đầu tư và tổ chức đấu thầu bãi giữ xe thì sẽ có tỷ lệ nguồn thu để lại cho bệnh viện, từ đó bệnh viện có nguồn hỗ trợ lại cho bệnh nhân nghèo.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, thành phố không phủ quyết Nghị quyết cũ mà vẫn bảo vệ người nghèo, không bỏ rơi người nghèo.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Anh, hàng năm chi cho giữ xe khoảng trên 5 tỷ đồng (bao gồm bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn). Vì vậy, vẫn phải đi đúng vào đối tượng người nghèo như các vị phát biểu. Thành phố có kế thừa nhưng phải làm sao phù hợp với luật. Vì vậy, đề nghị Sở Tài chính tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng để quyết định phương án tối ưu nhất.
Mật độ phóng viên cao nhất cả nước

Cũng tại phiên chất vấn trong ngày 7-7, ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 109 cơ quan báo chí với hơn 800 người làm báo, trong đó 400 nhà báo được cấp thẻ. 

Theo ông Thanh, hàng chục năm qua, báo chí luôn đóng góp một phần rất lớn đối với quá trình phát triển của thành phố. Về cơ bản các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động ở Đà Nẵng theo đúng tôn chỉ, mục đích. Đến nay còn 10% các văn phòng đại diện chưa đảm bảo về mặt thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm có 33.000 tin bài đưa tin về thành phố và chỉ có một số ít bài viết không đúng thực tế, đã được nhắc nhở. 

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Từng mét đất của Đà Nẵng được báo chí “soi” rất kỹ ảnh 1Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng. 
Ông Thanh cũng cho rằng, về mật độ nhà báo, phóng viên, chắc chắn Đà Nẵng đứng đầu cả nước. “Không kể Hoàng Sa thì Đà Nẵng có 0,85 người làm báo/1km², còn kể cả Hoàng Sa thì có 0,65 người làm báo/1km². Mật độ người làm báo như vậy cho thấy sự quan tâm của báo chí đối với Đà Nẵng là rất lớn. Cũng bởi thế, dư luận luôn thấy được những bài viết tốt về thành phố”, ông Thanh ví von.

Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố, ông Thanh cho rằng vẫn còn một số ít bộ phận cơ quan báo chí đưa tin, viết bài thiếu kiểm chứng. Một số tờ báo quá lạm dụng việc giật tít câu view làm sai bản chất sự việc.

“Hiện trên địa bàn có một số trang mạng đặt máy chủ ở nước ngoài, đăng tải các nội dung mang tính xuyên tạc nên Sở đang tiếp tục theo dõi và đề xuất các biện pháp ngăn chặn. Trên địa bàn, việc báo chí lợi dụng danh nghĩa để nhũng nhiễu doanh nghiệp rất ít, tuy nhiên không phải là không có và việc này là "con sâu làm rầu nồi canh". Còn đại đa số báo chí hoạt động đúng tôn chỉ và đồng hành cùng sự phát triển của thành phố”, ông Thanh nhận định.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đánh giá, báo chí trong suốt 20 năm qua đồng hành gắn bó với Đà Nẵng và thành phố ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, nổi tiếng hơn, thương hiệu vươn cao, bay xa hơn nhờ một phần đóng góp không nhỏ của báo chí.

“Bên cạnh đó, một số bài viết, hoạt động của phóng viên nặng về vấn đề giật tít, đưa tin thiếu kiểm chứng, thiếu khách quan”, ông Huỳnh Đức Thơ nói.

Cũng theo đồng chí Huỳnh Đức Thơ, vẫn còn một số bài báo đưa tin theo kiểu đơn thư, hoạt động như vậy thiếu khách quan ảnh hưởng đến uy tín lãnh đạo. “Anh được quyền phản ánh, tố cáo, thậm chí tố cáo nặc danh nhưng phải nói cho đúng, nói cho tâm phục khẩu phục. Đừng thêm bớt, không thành có, 1 thành 10. Chúng tôi làm gì sai, khúc mắc, gian dối thì cứ đưa tin nhưng phải chính xác”, ông Thơ nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò của báo chí đối với sự phát triển của Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, số lượng người làm báo ở Đà Nẵng được Sở TT-TT đưa ra là “rất thú vị”. “Điều này chứng tỏ rằng từng mét đất của thành phố được các phóng viên soi rất kỹ, áp lực cho thành phố rất lớn đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều”, Bí thư Đà Nẵng đánh giá. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Anh ghi nhận vai trò của báo chí đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng và chia sẻ: “Trong quá trình làm việc, một TP như Đà Nẵng không tránh khỏi những sai sót, bởi nhân vô thập toàn. Tôi nghĩ rằng nếu có những sai sót thì cũng mong các anh chị phóng viên có thể động viên, trao đổi để chúng tôi kịp thời chấn chỉnh. Nhiều khi trong quá trình hoạt động, có những lý do khách quan, chúng tôi không nắm bắt được thì thông qua báo chí chúng tôi có thêm kênh thông tin hữu hiệu... Bây giờ Đà Nẵng là cả nước quan tâm, và chúng tôi đang bị đặt dưới không những kính lúp mà kính hiển vi nữa. Thành ra rất mong sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan báo chí trong thời gian đến đối với Đà Nẵng”, ông Xuân Anh chia sẻ.

Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Từng mét đất của Đà Nẵng được báo chí “soi” rất kỹ ảnh 2Đồng chí Huỳnh Đức Thơ cho rằng, sự nổi tiếng của TP Đà Nẵng là nhờ vào báo chí. Chính báo chí đã giúp thành phố quảng bá mạnh mẽ hình ảnh ra cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một số ít bài báo viết sai sự thật, để lại hậu quả lớn cho thành phố.
Cũng liên quan đến hoạt động báo chí, đồng chí Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng đồng tình với quan điểm của đồng chí Bí thư Thành ủy. Đồng chí Huỳnh Đức Thơ cho rằng, sự nổi tiếng của TP Đà Nẵng là nhờ vào báo chí. Chính báo chí đã giúp thành phố quảng bá mạnh mẽ hình ảnh ra cả nước và quốc tế. Tuy nhiên, thời gian qua cũng có một số ít bài báo viết sai sự thật, để lại hậu quả lớn cho thành phố.
Sẽ thử nghiệm bãi đỗ xe nổi thông minh

Về vấn đề giao thông đô thị mà nhiều đại biểu quan tâm, đồng chí Huỳnh Đức Thơ đánh giá sự gia tăng nhanh chóng lưu lượng xe là nhãn tiền và chắc chắn rất căng thẳng trong thời gian tới. Nếu không làm quyết liệt thì 4-5 năm nữa rất khó làm.

“Đà Nẵng đã có nhiều giải pháp như đường một chiều, thu phí đậu đỗ xe, đỗ xe theo ngày chẵn lẻ,... nhưng đó chỉ là những giải pháp tình thế. Thành phố cần tập trung hơn nữa cho giải pháp mới, sáng kiến đầu tư nâng cấp cải tạo hạ tầng giao thông cũng như có bài toán căn cơ giải quyết lâu dài. Cụ thể như nút giao phía Tây cầu Sông Hàn cần được nghiên cứu phương án giảm tải, chia lưu lượng cho các cây cầu, cung đường biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa đang ùn tắc giao thông giờ cao điểm chiều, tập trung trước khu vực có mật độ khách sạn dày đặc nên cần được tính toán ngay. Nhiều đại biểu tính xén bớt lề đường để mở rộng đường, đây cũng là một những giải pháp. Ngoài ra, phải hạn chế ngay tình trạng xây nhà, chuyển đổi đất thương mại dịch vụ sang đất chung cư, căn hộ, khách sạn dọc tuyến đường biển”, đồng chí Huỳnh Đức Thơ cho biết.

Đặc biệt, Chủ tịch TP Đà Nẵng cho biết, UBND TP đã họp và đề xuất làm thử bãi đỗ xe nổi, thông minh. Việc này cần làm sớm để nhân rộng mô hình. Đà Nẵng cũng tính đến chuyện mua lại các khu đất, giải tỏa các khu nhà để làm bãi đỗ xe, giảm tải xe đỗ trên đường. Đầu tư hàng trăm tỷ đồng lắp camera để giám sát giao thông.

Trước đó, trong phần trả lời chất vấn ngày 6-7, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, trên cơ sở quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030, toàn thành phố sẽ có 158 bãi đỗ xe, trong đó có 17 bãi đỗ xe đã và đang đầu tư. Bên cạnh đó siết chặt quản lý đối với việc cấp phép đối với các dự án khách sạn 3-4 sao phải đảm bảo có bãi đỗ xe.
Dân mua chung cư 7 năm nhưng không được cấp sổ 
Trong phiên chất vấn vào chiều 6-7, đại biểu Lê Vinh Quang chất vấn Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng với nội dung liên quan đến việc VicoLand xây dựng chung cư, bán cho người dân 7 năm qua nhưng chưa cấp sổ hồng cho dân khiến người dân bức xúc.
"Các hộ dân mua căn hộ chung cư Vicoland (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) gồm các khu A1, A2, B1, B3, B4 với 568 hộ bức xúc về việc chủ đầu tư là Công ty Vicoland hứa hẹn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa chịu làm thủ tục cấp sổ hồng cho dân, mặc dù người dân đã mua nhà, bàn giao nhà đã hơn 7 năm nay. Đề nghị Sở sẽ có can thiệp như thế nào để sớm giải quyết cho dân” - đại biểu Lê Vinh Quang chất vấn. 
Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Từng mét đất của Đà Nẵng được báo chí “soi” rất kỹ ảnh 3 Đại biểu Lê Vinh Quang 
Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu, ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Sở TN-MT chưa nhận được bất cứ hồ sơ liên quan nào đến việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và trả tiền sử dụng đất đối với toàn bộ khu chung cư của Công ty Vicoland tại cuối tuyến đường Bạch Đằng Đông, cụ thể là các khu A1, A2, B1, B3, B4. Và qua tìm hiểu, chúng tôi biết rằng, hiện nay công ty này chưa hoàn thành các hồ sơ liên quan như: hoàn công, hoàn thiện hệ thống phòng chống cháy nổ,… Hiện nay, công ty này cam kết với Sở Xây dựng rằng trong quý 4/2017 sẽ hoàn thiện các thủ tục và trình Sở TN-MT xem xét cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định”.
Sau trả lời của ông Lê Quang Nam, đại biểu Lê Vinh Quang chất vấn thêm: “Như vậy là doanh nghiệp chưa hoàn công, chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước mà đã bán cho dân. Nên chăng TP cần phải vào cuộc, làm rõ hành vi của chủ đầu tư này. Theo tôi là có dấu hiệu lừa đảo. Và như vậy có hay không cần cơ quan chức năng vào cuộc? Trong khi không có trách nhiệm với người dân, thì doanh nghiệp này lại khởi công một công trình rất hoành tráng, đó là 2 tòa tháp đôi 31 tầng trên đường Như Nguyệt, thì tôi không biết vì lý do gì không giải quyết cho dân. Và nếu thế thì khi 2 tòa tháp này xây xong với 1.000 căn hộ này có lẽ cũng sẽ có tình trạng tương tự. Như vậy thì các Sở ban ngành cần tham mưu cho TP nên xem xét lại Công ty Vicoland, làm sao đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân chứ để thế này không được". 

Đồng quan điểm, đại biểu Huỳnh Bá Cử yêu cầu Sở Xây dựng vào cuộc với Sở TN-MT để đảm bảo quyền lợi của người dân: “Yêu cầu Chủ tọa kỳ họp mời Sở Xây dựng vào cuộc, chia sẻ và làm rõ nội dung này. Bởi không vào cuộc, doanh nghiệp không có hồ sơ thì biết bao giờ mới có sổ cho dân”.

Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Lê Quang Nam-Giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng cho biết, doanh nghiệp phải hoàn thành tất cả hồ sơ công trình, nghĩa vụ liên quan, được Sở Xây dựng chấp thuận thì Sở TN-MT mới căn cứ cấp chứng nhận quyền sở hữu. Còn thông tin hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì đều được công khai trên website của Sở Xây dựng. Sở TN-MT sẽ chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu khi có đầy đủ các hồ sơ và hoàn thành nghĩa vụ.
Cắt lời Giám đốc Sở TN-MT, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, cho rằng: “Tôi thấy đây là có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Bảy năm rồi có cấp sổ cho dân đâu, sổ chưa cấp cho dân thì giờ lại làm thêm khu nữa sao không bức xúc. Có khi ông Vicoland này đem số sổ này thế chấp ngân hàng, giờ không giải chấp được nên chưa đem ra, chưa làm thủ tục để cấp cho dân. Tôi nghĩ mời chủ đầu tư ấy lên, mình phải vào cuộc làm rõ, trả sổ cho dân 7 năm rồi, không thể để vậy được”.
Như vậy, sau 7 năm bán cho người dân, Công ty Vicoland vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, chưa hoàn thiện hồ sơ để cấp giấy chứng nhận cho người dân và quyền lợi của gần 570 hộ dân sở hữu căn hộ tại các khu chung cư A1, A2, B1, B3, B4 do công ty này làm chủ đầu tư vẫn tiếp tục bị xâm hại.

Tin cùng chuyên mục