Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp: "Cứ vướng là đòi sửa luật ngay!"

Sáng 13-9, UBTVQH tiếp tục phiên họp thứ 27 với nội dung cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên thảo luận

Đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp trên phương diện “người gác cửa” pháp luật cho Chính phủ, song các ý kiến tại phiên họp vẫn tỏ ra lo ngai về tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng như chất lượng không đồng đều của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Là đại biểu đầu tiên phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) Lê Thị Nga ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tư pháp, song thẳng thắn cho rằng, dường như Bộ vẫn phần nào e ngại nên đã “nói nhẹ” về kết quả kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

“Chính Bộ Tư pháp năm 2017, qua kiểm tra văn bản đã phát hiện hơn 5.650 văn bản ban hành trái pháp luật, cả về thẩm quyền, nội dung và trình tự thủ tục. Chúng ta nói đi nói lại về nhiều hạn chế trong lĩnh vực này rồi, nhưng chất lượng văn bản vẫn có vấn đề. Đại đa số thẩm định của Bộ Tư pháp là khá tốt, nhưng các bộ ngành khác thì quan tâm chưa đồng đều, nhất là chưa đánh giá kỹ tác động của VBQPPL nên nhiều khi khiến các ủy ban của Quốc hội phải vật vã, thậm chí vỡ trận”, bà Lê Thị Nga nói.
Người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng tỏ ra lo lắng vì trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành, địa phương.

“Số lượng làm pháp chế ở Trung ương chưa có trình độ cử nhân luật lên tới 17%, các tỉnh tới 50,1%. Anh chị em cũng rất tâm tư vì đời sống không đảm bảo” – bà Nga bình luận và nhấn mạnh, đã làm pháp chế thì phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật chứ không chỉ có kiến thức chuyên ngành khác.  

Một nhận định quan trọng khác của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp là việc khung khổ pháp luật thiếu ổn định, thay đổi liên tục: “Tâm lý phổ biến là cứ thấy vướng thì đòi sửa luật ngay, trong khi vướng mắc nhiều khi lại không nằm ở luật”.

Chia sẻ quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nhận định: “Đúng là đang có vấn đề về tính ổn định của pháp luật”.

Ông Hiển lấy ví dụ ngay từ dự án Luật Giáo dục sửa đổi vừa được UBTVQH thảo luận ngày 12-9, trong đó đưa ra hàng loạt chính sách mới tác động lớn đến ngân sách.

“Trong khi ngân sách thì đang khó khăn như thế này mà dự thảo Luật lại còn đưa ra đủ thứ cơ chế, cả thuế, cả ưu đãi… Có lẽ chỉ còn thiếu… luật hình sự trong đó mà thôi”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét.
Tính nhạc trưởng trong xây dựng pháp luật, theo ông, cũng là không rõ. Bộ ngành nào đề xuất Luật cũng theo hướng có lợi cho quản lý điều hành mà không tính đến lợi ích tổng thể; cá biệt khi trình luật ra Quốc hội mà các bộ còn phát biểu quan điểm khác nhau.

Dẫn thông tin trên báo chí cho thấy qua kiểm tra văn bản, tỷ lệ không hợp pháp, thậm chí không hợp Hiến đã kéo dài nhiều năm, mỗi năm có tới hàng ngàn văn bản và vẫn chưa giảm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề: “Các văn bản sai ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội như thế nào? Xử lý văn bản sai đã đành, nhưng vừa qua việc đánh giá tác hại và xử lý trách nhiệm người ban hành sai vẫn chưa quyết liệt. Bộ Tư pháp đã thẳng thắn chỉ ra văn bản sai, nhưng phải nghiêm minh, nêu rõ địa chỉ làm sai và đề xuất xử lý”.

Tin cùng chuyên mục