Chống thất thoát trong doanh nghiệp nhà nước: Phải quản lý theo cơ chế thị trường

Những năm gần đây, mặc dù Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo phải đẩy nhanh tái cơ cấu, sắp xếp và cụ thể là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tuy nhiên, giải pháp để thực thi hầu như chưa hiệu quả nên tiến độ vẫn chậm. 

Đã gần hết năm, nhưng cả nước chỉ mới cổ phần hóa chưa được 1/3 chỉ tiêu của năm. Trong đó, hướng đến mục tiêu sắp xếp, đổi mới DN thì cần nhiều giải pháp, mà cơ bản nhất là phải khơi thông và sòng phẳng với lãnh đạo DNNN theo đúng cơ chế thị trường.

Quyền lợi cần tương xứng với trách nhiệm

Mục tiêu của sắp xếp đổi mới DNNN là hướng đến nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị. Trong đó, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành chỉ là 2 trong những giải pháp để hướng đến hiệu quả đầu tư cao hơn. Vậy, nếu chậm cổ phần hóa, Nhà nước có thể áp dụng nhiều giải pháp khác để buộc DN phải “chuyển động”, cụ thể là áp dụng quản lý theo cơ chế thị trường đối với DNNN.

Chẳng hạn, quy hoạch ngành nghề, giao chỉ tiêu lợi nhuận và trả lương lãnh đạo DN theo cơ chế thị trường, còn giải pháp thực thi thế nào thì để DN tự quyết định. Lãnh đạo DN nào không hoàn thành nhiệm vụ thì thay thế. Có thể tuyển chọn cả CEO bên ngoài vào quản lý điều hành, miễn sao hoàn thành được chỉ tiêu được giao.

Chống thất thoát trong doanh nghiệp nhà nước: Phải quản lý theo cơ chế thị trường ảnh 1 Đóng tàu tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn - một DNNN trong lĩnh vực công nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Một việc quan trọng nữa là trước khi giao chỉ tiêu, cơ quan quản lýphải đánh giá lại tài sản của DN theo đúng giá thị trường. Bất hợp lý lâu nay là giá trị DN không được đánh giá thường xuyên, đợi đến khi cổ phần hóa mới đánh giá, để rồi các DN lấy giá bán “báo cáo thành tích” rằng giá bán cao hơn nhiều lần so với giá trị sổ sách.

Mà giá trị trong sổ sách theo giá hàng chục năm trước, nếu số tiền đó gửi ngân hàng thì cũng tăng gấp nhiều lần, chứ chưa kể là so với tiền đem đầu tư kinh doanh. Phải đánh giá lại giá trị DN hàng năm thì mới biết chỉ tiêu giao có sát với thực tế hay không.

Bởi hiện nay, giá trị sổ sách thấp, chỉ suất lợi nhuận được giao cũng thấp, thậm chí có nơi thấp hơn lãi suất vay của ngân hàng, là điều không thể chấp nhận. Phải giao chỉ tiêu lợi nhuận cho người quản lý DN theo nguyên tắc thị trường, ít nhất cũng bằng gấp 2 lần lãi vay của ngân hàng, như thị trường chứng khoán. Như vậy, nhà quản trị DN nào không hoàn thành nhiệm vụ thì thay người khác.

Và để sòng phẳng về quyền, chúng ta cũng cần thay đổi cơ chế lương bổng. Có thể trả lương hàng tỷ đồng/năm cho lãnh đạo DN nếu họ hoàn thành chỉ tiêu, tạo ra lợi nhuận tương ứng và thưởng nếu vượt chỉ tiêu. Có nghĩa là trả lương dựa trên lợi nhuận họ làm ra. Như vậy sẽ tìm được nhà quản trị DN có đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhà quản trị DN sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, sẽ không còn những quy định ưu đãi riêng, không chỉ đạo vay vốn riêng, không còn cấp vốn tái cơ cấu, bù lỗ hay xử lý thua lỗ nữa.

Chấm dứt việc mất đất sau cổ phần hóa

Việc quan trọng của cổ phần hóa là nhằm mục tiêu tái cơ cấu DN, nâng cao chất lượng hoạt động, do vậy, cần thay đổi phương thức thực hiện, cụ thể là thiên về chất lượng, hơn là chạy theo số lượng. Khi xem việc cổ phần hóa là cơ cấu lại danh mục đầu tư nhà nước, thì phải có giải pháp chống thất thoát tài sản đất đai của Nhà nước sau cổ phần hóa như tình trạng lâu nay.

Trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra nhiều bất cập. Trong đó, nóng nhất vẫn là việc các DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ, sử dụng đất không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất...

Cụ thể, hình thức chuyển nhượng làm mất đất như dùng đất được Nhà nước cho thuê đem góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư, sau đó thực hiện thoái toàn bộ phần vốn góp để lách luật. Bởi, thực chất là chuyển nhượng đất. Do vậy, cần có quy định đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất khi cổ phần hóa DNNN theo cơ chế thị trường, để chấm dứt những tổ chức, cá nhân lợi dụng cổ phần hóa, góp vốn nhằm chiếm đất công.

Hơn nữa, việc thiếu minh bạch trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn của DN, xác định giá trị khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các địa phương, cũng tạo cơ hội để các tổ chức, cá nhân trục lợi, tham nhũng, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường lưu ý, cần xác định trách nhiệm của UBND, của các cơ quan quản lý về đất đai ở địa phương trong việc góp phần chuyển đất công thành đất tư không thông qua đấu thầu mà chỉ định giá trực tiếp, hoặc xác định giá đất khi cổ phần hóa; không thực hiện đúng quy định Luật Đất đai mà sử dụng chủ yếu bảng giá do UBND các tỉnh, thành phố quy định để xác định giá trị đất đai, làm giá thấp hơn so với thị trường là sẽ còn gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trong 500 công ty lớn nhất toàn cầu, DN có doanh thu thấp nhất là 24 tỷ USD. Trong khi đó, 3 DN lớn nhất Việt Nam là PVN, Viettel, EVN thì doanh thu chỉ 11 tỷ USD - chưa bằng một nửa so với DN nhỏ nhất trong tốp 500 DN lớn trên thế giới.

Do vậy, để sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu lại DNNN, Chính phủ cần thống kê, đánh giá tỷ suất lợi nhuận của từng DN để xem xét lại việc đầu tư. DNNN nào có tỷ suất lợi nhuận thấp thì hạn chế đầu tư, tập trung nguồn lực đầu tư vào những DN có tỷ suất lợi nhuận cao 20% - 30% để tạo ra tập đoàn kinh tế lớn, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu. 

Tin cùng chuyên mục