Chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng

Vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi “vòi tiền” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại một số dự án ở huyện Vĩnh Tường, đang được xã hội hết sức chú ý. 

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. 

Cuối tuần qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị phê chuẩn khởi tố vụ án. Hiện bà Nguyễn Thị Kim Anh (44 tuổi, Phó Trưởng phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng) và ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên thanh tra xây dựng 2, Thanh tra Bộ Xây dựng) đang bị tạm giữ tại trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc vì hành vi “Nhận hối lộ”.

Khi sự việc trên xảy ra, một lần nữa dư luận lại đòi hỏi cao hơn về yêu cầu “giám sát, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác chống tham nhũng” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần đề cập. Không chỉ yêu cầu Ban Nội chính Trung ương ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan làm công tác chống tham nhũng. Các đại biểu Quốc hội cũng đã đề cập đến vấn đề này qua nhiều kỳ họp gần đây.

Trong các báo cáo của Đảng, Chính phủ thời gian gần đây, luôn đề cập đến tình trạng tham nhũng đang được ngăn chặn, từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Nhiều vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được xử lý, thể hiện quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, Đảng ta cũng đã nhận định, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng. Thể chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập, tính khả thi không cao. Chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện, nên dễ dẫn đến việc lạm quyền để trục lợi.

Để công tác phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn nữa, dư luận cho rằng cần phải kiện toàn, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan phòng chống tham nhũng, giúp việc các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở. Các cơ quan nội chính, kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát, xét xử phải thực sự là những “thanh bảo kiếm” sắc bén, có dũng khí đấu tranh ngăn chặn những việc làm sai trái, lợi ích nhóm, mưu lợi cá nhân. Những người làm công tác phòng chống tham nhũng nói chung, những người trực tiếp làm việc trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng nói riêng phải thật sự liêm chính, trong sạch, biết gương mẫu giữ mình, trọng liêm sỉ, không chịu bất cứ sức ép không trong sáng nào, bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng đề cập, quyền lực luôn có nguy cơ bị “tha hóa”, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Chỉ khi kiểm soát được việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn thì mới ngăn chặn được việc lạm quyền để trục lợi.

Tin cùng chuyên mục