Chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Tại TP Quy Nhơn (Bình Định), đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, nội dung liên quan đến công tác khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)…

Theo UBND tỉnh Bình Định, năm 2018, địa phương có 22 tàu (175 thuyền viên) vi phạm khai thác hải sản trái phép bị lực lượng chức năng các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei bắt giữ. UBND tỉnh này đã ra quyết định xử phạt 5 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền 425 triệu đồng (mỗi tàu 85 triệu đồng); 17 tàu còn lại, hiện Công an tỉnh Bình Định đang thụ lý, củng cố hồ sơ để tham mưu xử lý.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết có rất nhiều tàu cá mang biển số Bình Định, nhưng nhiều năm nay không về tỉnh mà trú ở cảng các tỉnh phía Nam. Những tàu này thường xuyên vi phạm vùng lãnh hải nước ngoài. Sắp tới, nếu các tàu vẫn không về thì địa phương sẽ rút rút giấy phép nghề cá, đề nghị gỡ biển số Bình Định.

“Các tàu cá đánh bắt vi phạm đều có chủ đích. Họ chủ động tắt thiết bị giám sát, có bàn bạc trước khi vi phạm nên rất khó cho cơ quan quản lý. Đến mức độ có trường hợp thuyền trưởng quyết vi phạm, thuyền viên không muốn tuân theo nên nhảy xuống biển bỏ trốn”, ông Châu thông tin.

Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Bình Định đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, nhằm từng bước ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Ngoài ra, địa phương còn tuyên truyền đến các chủ tàu, thuyền trưởng để làm cam kết không vi phạm. Đến nay, tình hình tàu cá vi phạm đã giảm đáng kể so với những năm trước. Không chỉ dừng lại ở đó, Bình Định đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế ràng buộc 100% tàu cá có chiều dài 15m trở lên, hoạt động vùng biển xa phải trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, theo lộ trình.

Theo đại diện Công an tỉnh Bình Định, tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển Đông diễn ra gay gắt, nhiều vùng biển chưa được phân định, chồng lấn. Trong khi đó, ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đang hẹp dần, ngư dân buộc phải dạt vào ngư trường phía Nam. Tại đây, chúng ta liên tục đụng độ với vùng biển chồng lấn với các nước Đông Nam Á. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cần phải sớm có giải pháp can thiệp vào những vùng biển chồng lấn trên và có những chính sách bảo hộ, để các nước xử lý nhân đạo, không chèn ép ngư dân Việt Nam.

Chủ trì buổi làm việc, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, kết luận để khắc phục thẻ phạt của EC, trong 4 tháng tới, các đơn vị phải thành lập ngay một kịch bản, kế hoạch hành động tổng thể cho cả 28 tỉnh thành.

“Không thể cứ để Bộ NN-PTNT cử đoàn đi vòng quanh như thế. Làm sao để vừa đảm bảo hài hòa được quyền lợi ngư dân với quy định pháp luật và nhiệm vụ an ninh quốc phòng trên biển. Chúng ta phải điều động lực lượng làm việc tích cực để có báo cáo, tài liệu cụ thể, mới thuyết phục được EC. Nếu vẫn chậm chuyển biến, nguy cơ EC sẽ áp dụng thẻ đỏ là rất cao. Tới đây, nếu EC vào kiểm tra, tỉnh nào để tàu cá vi phạm thì chủ tịch UBND tỉnh đó phải chịu trách nhiệm”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục