Chống chuyển giá, cách nào?

Hiện trạng các doanh nghiệp giao dịch liên kết để chuyển giá, nhằm giảm lợi nhuận (hoặc lỗ) với mục đích né thuế đã lan rộng không chỉ ở những tập đoàn đa quốc gia mà ngay cả các doanh nghiệp liên kết trong nước.

Đây là vấn đề mới mà các quy định trước đây chưa điều chỉnh. Do vậy, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã đưa ra quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá là vấn đề được nhiều người quan tâm.

      Doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ có chế độ kế toán riêng. Ảnh: THÀNH TRÍ
 “Luật hóa” các nguyên tắc trong giao dịch liên kết
Lãnh đạo Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết một trong những nội dung nổi bật của dự thảo luật là các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá. Cụ thể là đã “luật hóa” một số nguyên tắc cơ bản trong giao dịch liên kết. Bởi vấn đề chuyển giá, né thuế của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bằng việc nâng - giảm giá giao dịch nội bộ để né thuế đã và đang là thách thức lớn đối với các quốc gia. Để ngăn ngừa các hành vi chuyển giá, thường các quốc gia trên thế giới đã đưa vào luật và yêu cầu người nộp thuế phải xác định giá giao dịch liên kết như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập cho mục đích kê khai, tính và nộp thuế - có nghĩa là phân tích, so sánh giao dịch liên kết với giao dịch độc lập trong điều kiện tương đồng.
Mặc dù công tác chống chuyển giá của Việt Nam đã được chú trọng, các cục thuế thành lập hẳn phòng chuyên môn về hoạt động kiểm soát chống chuyển giá; tuy nhiên, do pháp luật chưa hoàn chỉnh nên các phòng chức năng chưa hoạt động hiệu quả. Luật Quản lý thuế trước đây cũng có quy định về ấn định thuế đối với trường hợp người nộp thuế mua bán, hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá thị trường thì cho phép người nộp thuế áp dụng cơ chế xác định trước giá tính thuế đối với giao dịch liên kết để kê khai, nộp thuế; thì nay, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã luật hóa một số nguyên tắc cơ bản về giao dịch liên kết đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Điển hình là bổ sung nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; nguyên tắc áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
Xây dựng chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Theo quy định hiện nay, đại lý thuế chỉ được làm thủ tục về thuế mà không được thực hiện các dịch vụ khác, như dịch vụ kế toán, nên doanh nghiệp muốn thuê ngoài dịch vụ kế toán, kê khai thuế thì buộc phải thuê 2 đơn vị (một đơn vị cung cấp dịch vụ đại lý thuế và một đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán). Do vậy, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không có khả năng thuê nhiều dịch vụ, vì phát sinh nhiều chi phí. Đây cũng là lý do làm hạn chế quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết để hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến xây dựng chế độ kế toán riêng cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ với hệ thống tài khoản, sổ sách đơn giản, dễ thực hiện. Những người có chứng nhận đại lý thuế hoàn toàn có thể đáp ứng đủ trình độ để cung cấp dịch vụ kế toán cho đối tượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi luật lần này cũng có nhiều điểm mới bổ sung theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế rút ngắn thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thiểu thời gian nộp thuế… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải mở rộng, đa dạng hóa dịch vụ của đại lý thuế để phục vụ đại đa số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - đây là đối tượng rất e ngại với thủ tục tài chính, thuế.

Tin cùng chuyên mục