Chọn trường, cần theo năng lực

Thời điểm này nhiều gia đình có con đang học lớp 5 và lớp đang 9 đau đầu với bài toán chọn trường. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc đua vào các trường THPT công lập, trường “hot” ngày càng khốc liệt, làm sao để chọn trường phù hợp năng lực học tập của học sinh là bài toán khó đặt ra cho các phụ huynh. 

Ổn định chỉ tiêu để phân luồng

Theo công bố mới đây của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2018-2019, toàn thành phố có hơn 100.000 học sinh lớp 9 nhưng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường THPT công lập chỉ khoảng 70.000 em. Điều này đồng nghĩa sẽ có hơn 30.000 học sinh không có suất học tại các trường THPT công lập. Tỷ lệ này không biến động nhiều so với năm học 2017-2018 nhưng tăng đáng kể so với năm học 2016-2017 (hơn 19.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập) và gấp 4,2 lần năm học 2015-2016 (hơn 7.200 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết thành phố đang tăng cường các biện pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Cụ thể, theo lộ trình từ nay đến năm 2020, TPHCM phấn đấu đạt tỷ lệ 30% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT học nghề tại các trường trung cấp hoặc trung cấp nghề. Để phục vụ mục tiêu đó, các quận - huyện sẽ giảm trung bình mỗi năm 3% tỷ lệ học sinh vào học lớp 10 công lập, phấn đấu đến năm 2020 còn khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lớp 10 công lập.

Chọn trường, cần theo năng lực ảnh 1 Học sinh lớp 10 chuyên Lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong lễ khai giảng năm học 2018-2019. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tương tự, tại Hà Nội, năm học 2018-2019 có khoảng 101.460 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm 4.000 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu phân luồng và điều kiện tuyển sinh thực tế của các đơn vị, tổng chỉ tiêu lớp 10 của các trường THPT công lập khoảng 63.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 62% tổng số học sinh trên địa bàn. Như vậy sẽ có hơn 38.000 học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập. Theo kế hoạch phân luồng của địa phương này, dự kiến sẽ có khoảng 20% học sinh “rớt” lớp 10 công lập vào học tại các trường THPT ngoài công lập, 10% học sinh học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Số còn lại tham gia học nghề ngắn hạn tại các cơ sở, đơn vị đào tạo nghề để gia nhập thị trường lao động.

Qua đó cho thấy, bức tranh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT ở nhiều địa phương đang chuyển dịch mạnh sang hướng đào tạo nghề. Trong đó, ngoài việc giải quyết bài toán “thừa thầy, thiếu thợ” trên thị trường lao động còn thay đổi dần nhận thức của xã hội, từ việc học vì bằng cấp sang học để có tay nghề ổn định, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, chú trọng hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

Tuy nhiên, đại diện các sở GD-ĐT đều cho rằng, muốn phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh đạt hiệu quả thì ngoài việc tư vấn, định hướng cho bản thân người học phải thực hiện đồng thời công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh, vì ở nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn nặng tư tưởng “học theo nguyện vọng của cha mẹ”.

Hạn chế đổ xô vào trường “hot”

Hiện nay, theo dự thảo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận - huyện, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 không có nhiều thay đổi so với năm học 2018-2019. Riêng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, đơn vị duy nhất của TPHCM được phép tuyển sinh theo hình thức kết hợp xét tuyển và khảo sát năng lực bằng tiếng Anh, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 năm nay là 525 học sinh, giữ ổn định so với các năm học trước.

Tương tự, tại một số trường “hot” như THCS Nguyễn Du, Trần Văn Ơn (quận 1), Nguyễn Văn Tố (quận 10), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình)…, cuộc chiến tuyển sinh đầu vào chẳng những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà còn tăng do xuất phát từ nhu cầu và tâm lý của phụ huynh.

"Năm học 2019-2020, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa mở thêm lớp chuyên Tin học, nâng tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của trường này tăng thêm 35 học sinh so với các năm học trước. Còn lại các trường THPT chuyên, trường THPT công lập tuyển sinh lớp 10 chuyên đều không thay đổi chỉ tiêu so với năm học 2018-2019", Ông NGUYỄN MINH HOÀNG, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM
Nguyên nhân là do trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp hàng năm, ngoài việc đáp ứng chỗ học cho học sinh trên địa bàn theo đúng phân tuyến, các đơn vị này còn dành một số chỉ tiêu tuyển thêm học sinh ngoài tuyến với điều kiện đáp ứng các tiêu chí do hội đồng tuyển sinh quận - huyện quy định như học sinh giỏi 5 năm liền, điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 lớp 5 của 2 môn Toán và Tiếng Việt đạt 20 điểm, học sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc đoạt giải các cuộc thi học sinh giỏi… Chính sách mở cửa này đã tạo cuộc đua căng thẳng giữa các học sinh ngoài tuyến.

Tuy nhiên, theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2019-2020 do UBND TPHCM phê duyệt, Sở GD-ĐT khuyến khích học sinh chọn trường gần nơi cư trú để thuận tiện đi lại và giảm áp lực giao thông. Ngoài ra, theo một hiệu trưởng trường THCS ở quận 3, hiện nay các quận - huyện đều có chính sách hoán đổi luân phiên hiệu trưởng giữa các trường học để đảm bảo chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách đào tạo giữa các đơn vị.

Do đó, vị này kiến nghị phụ huynh không nên có tư tưởng “phải vào trường điểm bằng mọi giá”, mà nên căn cứ vào sức học của con và điều kiện đi lại để chọn trường học phù hợp. Thêm vào đó, trong bối cảnh TPHCM đang mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh vào các lớp tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp, một số ngoại ngữ như Pháp, Đức, Nhật, phụ huynh không nên đổ xô cho con học ngoại ngữ không đúng sở thích và năng lực chỉ vì một suất học ở trường “điểm”.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều học sinh đáp ứng ngưỡng đầu vào của các lớp ngoại ngữ nhưng không theo nổi 3-4 năm ở bậc học kế tiếp khiến các em phải xin chuyển trường, lãng phí thời gian và công sức học tập. Vì vậy, trước khi đặt bút đăng ký nguyện vọng, học sinh cần xác định rõ nhu cầu, sở thích và năng lực bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp, tránh đăng ký theo đám đông hay vì nguyện vọng của cha mẹ.

Tin cùng chuyên mục