Chọn lọc thông tin từ truyền thông xã hội

Tập đoàn Google đang ra sức loại bỏ các thông tin từ những trang web giả mạo về nguồn gốc, quốc gia. Mạng xã hội Facebook cũng đã gỡ bỏ hàng trăm triệu trang, nhóm và tài khoản ở nhiều quốc gia trên thế giới với lý do các tài khoản này có “cách ứng xử thiếu trung thực”. 

Facebook còn tung công cụ AI (trí tuệ nhân tạo) để phát hiện nội dung khiêu dâm, cũng như tính năng nhận diện khuôn mặt phiên bản mới để tránh bị giả mạo. 

Việc 2 ông lớn công nghệ có động thái kiểm soát chặt chẽ hành vi đưa tin giả, sử dụng hình ảnh người khác với mục đích xấu, được cộng đồng mạng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là môi trường thông tin trên mạng đã đảm bảo sạch sẽ. Bởi kẻ xấu có rất nhiều chiêu trò để lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin vào xem trang chủ của họ. Thậm chí là nhiều tài khoản mạng xã hội đã vô tình PR không công, giới thiệu những thông tin bẩn phổ biến rộng hơn thông qua hình thức tag, share, phát tán những tin giả, tin xuyên tạc, phản động.

Khi tham gia mạng xã hội, người sử dụng phải tỉnh táo, cân nhắc chọn lọc trước rừng thông tin thật - giả lẫn lộn. Chỉ nên vào những trang đàng hoàng, nếu thấy “có vấn đề” nên thoát ra ngay lập tức. Khi cần kiểm chứng thông tin nên xem những tờ báo mạng, trang tin điện tử uy tín, chính thống của các cơ quan Đảng và Nhà nước, hoặc những trang của các hãng thông tấn nổi tiếng thế giới. Chỉ nên xem mạng xã hội như là phương tiện trao đổi, tham khảo, chứ không nên tuyệt đối đặt tất cả hy vọng vào đó.

Khi phát hiện những website và mạng xã hội có dấu hiệu chống phá, xuyên tạc, bôi nhọ, dung tục, đồi trụy… thì nên báo cáo (report) với ban quản trị và thoát ra ngay. Nếu mỗi cá nhân đều có ý thức tẩy chay những cái xấu trên Internet như vậy thì thế giới ảo, cũng như đời thực, đều yên ổn và trật tự.

Tin cùng chuyên mục