Chợ vật liệu thành nơi đổ rác

Chợ vật liệu thành nơi đổ rác

Dù đã xây dựng xong cách đây 4 năm nhưng chợ vật liệu xây dựng (Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn chưa một lần hoạt động, nên người buôn bán vẫn bày bán hai bên đường. Còn chợ lại trở thành nơi đổ phế liệu của các hộ kinh doanh.

Phát sinh nên… chợ “chết”

Đã 4 năm nay, chợ vật liệu xây dựng (VLXD) Đại Mỗ trở thành nơi tập kết rác của các hộ kinh doanh buôn bán dọc hai bên đường. Chỉ cần dừng chân ngoài cổng chợ là có thể nhìn thấy  những đống rác cao như núi. Bà Nguyễn Đắc Chiến, chủ kinh doanh gạch ngói trong chợ, cho biết: “Đó là chưa kể ngày mưa, nước không có lối thoát nên chợ ngập ngụa trong nước đen, lênh láng rác thải, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc”.

Chợ vật liệu thành nơi đổ rác ảnh 1

Chợ vật liệu đã biến thành bãi rác

Vào những năm 1990, nhận thấy VLXD là thị trường hút khách, các hộ kinh doanh trong xã Đại Mỗ tràn ra quốc lộ 70 buôn bán.

Họ san ruộng, lấp mương, lập lán làm nơi buôn bán. Lúc đầu chỉ có một hai người, đến nay đã có 150 hộ kinh doanh kéo dài đến 5 cây số dọc quốc lộ, gây nên tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 Trước thực tế đó, năm 2001, UBND xã Đại Mỗ và huyện Từ Liêm đã quyết định đầu tư xây dựng chợ. Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Sau khi lấy ý kiến của bà con thì có 40 hộ đăng ký kinh doanh. Dựa trên số hộ này chúng tôi chia ô để xây chợ”. Chợ có diện tích 10.000m2, được xây dựng gần 2 tỷ đồng. Như vậy, theo tính toán, mỗi hộ sẽ có khoảng 250m2 để buôn bán.

Năm 2004, chợ hoàn thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, không có một hộ nào vào chợ để bán. Nguyên nhân là do sau 3 năm xây dựng, số hộ kinh doanh đã nhảy lên 150 tức là mỗi hộ kinh doanh chỉ còn chưa đầy 70m2.

Ông Nguyễn Hiền, một chủ kinh doanh cột xà, cây tre cho biết: “Mỗi hộ được 70m2 nhưng chiều dài của sạp chỉ có 10m trong khi cây tre dài 12 - 14m nên không thể đưa tre, cột xà vào sạp. Không những thế, chợ chỉ có một cổng, lối đi trong chợ quá hẹp dẫn đến việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, ô tô không thể vào chợ”.

“Do tính chất đặc thù của các hộ kinh doanh ở đây là buôn bán cột xà, tre, mét, gỗ…nên đòi hỏi phải có quy mô diện tích lớn, trong khi đó sạp chợ lại quá nhỏ. Chúng tôi cũng muốn vào chợ để kinh doanh buôn bán đàng hoàng nhưng với thực tế này chúng tôi đành lấn chiếm lòng đường để buôn bán”, anh Hiệp, một chủ kinh doanh chuyên thu mua đồ gỗ ở đây, cho biết vậy.

“Biết sai nhưng không thể làm khác”

Người kinh doanh không vào nơi buôn bán, chợ trở thành nơi đổ phế liệu, rác thải cho các hộ kinh doanh, buôn bán bên cạnh. Gần 2 tỷ đồng đầu tư xây dựng giờ biến thành… bãi rác.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ, cho biết: “Đầu tư xây dựng chợ là đúng hướng nhưng trong quá trình triển khai có nhiều bất cập nên không thể đi vào hoạt động. Hiện, chúng tôi đã trình lên Ủy ban thành phố mở rộng chợ lên 3ha. Dự kiến năm 2009 sẽ triển khai”. 

 Ông Hùng khẳng định, sẽ không có một hộ nào phát sinh buôn bán sau khi quy hoạch lại chợ (!?). Còn trước mắt, theo ông Hùng, vẫn phải để cho người dân buôn bán dọc theo quốc lộ vì đây là “cơm áo” của họ, là một nghề được coi là truyền thống. “Chúng tôi cũng đã xử lý một số hộ vi phạm nhưng chỉ mang tính chất cảnh cáo, tạm thời vì số lượng quá đông. Vẫn biết là sai nhưng chúng tôi không thể làm khác”, ông Hùng giải thích.

Hà An

Tin cùng chuyên mục