Cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí?

Điểm lại nguyên nhân khiến tự chủ đại học ở Việt Nam chưa đúng thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước, từ chính các trường đại học vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp và một phần từ người học và xã hội.

Ngày 17-8, phát biểu tại Hội thảo Giáo dục 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục nói chung, giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng không thể đứng ngoài thế giới, bắt buộc chúng ta phải hội nhập...“Trong đó, với điều kiện của Việt Nam hiện nay, tự chủ đại học và giải trình, công khai là quan trọng nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã nói đến tự chủ đại học từ khi thành lập Đại học Quốc gia, nhưng đến năm 2014, qua các cuộc cọ sát rất mạnh mẽ, chúng ta mới có 23 trường tự chủ theo Nghị định 77. Tuy nhiên, mới là tự chủ một phần, chưa đúng với thông lệ quốc tế.

Cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí? ảnh 1 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo
Điểm lại nguyên nhân khiến tự chủ đại học ở Việt Nam chưa đúng thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng cho rằng xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước, từ chính các trường đại học vẫn muốn tiếp tục cơ chế bao cấp và một phần từ người học và xã hội.

Tuy nhiên, dù còn khó khăn nhưng hầu như các trường đều mong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được ban hành thật sớm để chính thức hóa việc này.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, một trong những băn khoăn lớn nhất hiện nay là cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học cũng như phần tài sản, đất đai… của trường đại học sẽ bị thao túng. 

Tuy nhiên, thực tế thì các trường đại học trên thế giới đã có hướng giải quyết điều này.

“Tự chủ tài chính, chúng ta một mặt có cơ chế học bổng dành cho sinh viên diện chính sách và con nhà nghèo. Mặt khác, tự chủ không có nghĩa là nhà nước không cấp ngân sách nữa mà dùng kinh phí từ ngân sách để đặt hàng đào tạo”, Phó Thủ tướng nêu.

Tương tự, về đảm bảo tài sản của trường, chúng ta có hội đồng trường gắn liền với trách nhiệm giải trình, công khai minh bạch.

“Cần hiểu cho đúng về tự chủ đại học. Trường đại học có nhiều sứ mệnh, một trong số đó là sáng tạo ra tri thức, nên trường đại học cần tự chủ về chuyên môn, từ đó khơi dậy sáng tạo cho từng thành viên trong nhà trường. Đó là tự chủ căn bản nhất”, Phó Thủ tướng nói.

Để có quyền tự chủ đó, trường đại học phải được tự quản về tổ chức và tự chủ về tài chính. Tự chủ tài chính phải hiểu là tự chủ về nguồn thu và nguồn chi. Thu có nhiều phần: từ học phí, khoa học công nghệ, sản xuất kinh doanh và quan trọng là thu từ tài trợ của doanh nghiệp, cộng đồng; đặc biệt từ ngân sách nhà nước. “Tuy nhiên, hiện nay, các trường đại học chưa được tự chủ chi cái này, tiền thậm chí không phải của nhà nước nhưng muốn làm cái gì đều phải xin phép”, Phó Thủ tướng nêu.

Tựu trung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, tự chủ đại học là xu thế tất yếu, phải luật hóa.

Cho tự chủ, các trường cứ thế tăng học phí? ảnh 2 Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực tập ở các viện nghiên cứu và thực hành
Ý kiến của các trường đại học tại hội thảo cũng đề cập nhiều đến vấn đề tự chủ. Tuy đòi hỏi rằng đại học phải tự chủ cao nhất về học thuật, nhân sự, tài chính, nhưng thực tế là nhiều trường đều e ngại khi phải tự chủ tài chính, nhất là sợ  bị mất nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước.

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá, nguồn tài chính cho GDĐH còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở GDĐH chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách nhà nước và từ thu học phí (đối với cơ sở GDĐH công lập) và nguồn thu học phí (đối với cơ sở GDĐH ngoài công lập), nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD-ĐT và trường đại học cần nghiên cứu từng bước giải quyết các vấn đề bất cập về vấn đề học phí trong các cơ sở GDĐH. Đảm bảo lợi ích của các cơ sở GDĐH nhưng cần phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Các trường cũng cần chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính theo hướng tự chủ nguồn thu, nhiệm vụ chi; tránh tình trạng các cơ sở GDĐH công lập trông chờ và nguồn ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục