Chợ tết đang chờ khách

Người bán thì nhiều trong khi người mua thì thưa thớt đang là tình cảnh của các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM. Mặc dù chỉ còn 3 tuần nữa là tới Tết Kỷ Hợi 2019 nhưng không khí mua sắm tại các chợ lớn chuyên bán mặt hàng thực phẩm phục vụ tết ở TPHCM còn rất vắng vẻ. Đối với các chợ nhỏ thì mãi lực hiện vẫn chưa tăng nhiều so với những ngày thường.
Chợ tết mãi lực chậm vì sức mua yếu và cạnh tranh gay gắt
Chợ tết mãi lực chậm vì sức mua yếu và cạnh tranh gay gắt

Không chỉ có chợ, theo ghi nhận tại một số siêu thị trên địa bàn như siêu thị Co.opmart, Big C, Lottemart, Vinmart, các sản phẩm bánh mứt kẹo, hạt đã được bày bán khá nhiều, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả. Tuy nhiên, sức mua còn khá chậm. Như kinh nghiệm của giới kinh doanh cho biết, phải từ sau ngày 23 tháng Chạp thì người dân mới bắt đầu đi mua sắm để chuẩn bị cho gia đình tiêu dùng. Còn thời gian này, sức mua chỉ mới tập trung vào các chợ đầu mối - cung cấp nguồn hàng về các tỉnh. 

Dù vậy, các tiểu thương ở các chợ sỉ đang lo lắng thất thu chợ tết năm nay. Dạo một vòng tại các chợ Bình Tây, An Đông, phóng viên ghi nhận thấy, lượng khách đến mua hàng tại các chợ còn thưa thớt. Tại khu vực bán mứt tết của chợ Bình Tây - chợ vốn là điểm phân phối sỉ cho toàn khu vực các tỉnh, thành phía Nam - nhìn chung các quầy hàng đều vắng khách, mặc dù các tiểu thương đon đả chào mời nhưng cũng chỉ lác đác có vài người khách ghé xem hàng. “Mọi năm bằng giờ này chợ đông nghẹt người, khách đến mua hàng không còn chỗ chen chân đứng lựa, nhưng năm nay thì vắng quá, có khi ngồi cả buổi chưa có lấy một khách ghé mua”, chủ quầy hàng Loan Hương than thở!

Ông Phạm Ngọc Trung, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây, cho biết mãi lực mua sắm tại chợ Bình Tây ở thời điểm này vẫn rất yếu. Sự bùng nổ của hệ thống phân phối hiện đại và thương mại điện tử đã ảnh hưởng rất lớn đến các chợ truyền thống, trong đó có chợ Bình Tây. Trước đây, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều đưa hàng về chợ Bình Tây để phân phối đi các tỉnh. Còn nay, các doanh nghiệp có nhiều kênh tiêu thụ hàng, ngoài việc đưa hàng vào các hệ thống phân phối hiện đại hiện phủ khắp ở các tỉnh, thành, các nhà sản xuất còn tự phát triển mạng lưới phân phối riêng của mình ở các địa phương khiến cho nhu cầu của tiểu thương các tỉnh đối với chợ Bình Tây giảm đi rõ rệt.

Bà Trương Muội, một tiểu thương có thâm niên vài chục năm bán mứt tết tại chợ An Đông, cho biết: “Chưa có năm nào chợ ế như năm nay, nhìn quanh chợ chỗ nào cũng vắng. Mọi năm, ở thời điểm này, chợ An Đông rất náo nhiệt nhưng năm nay thì quá vắng. Mới bắt đầu có lác đác vài khách đến mua quà gửi cho thân nhân ở nước ngoài”. 

Dù rằng thông thường các chợ lẻ cũng phải đến qua 20 tháng Chạp khách mới đi mua sắm nhiều, nhưng trước đây, thời điểm này chợ cũng đã bắt đầu đông. Song, năm nay tình hình buôn bán của cả năm rất ảm đạm, vậy nên các tiểu thương cũng không dám trữ hàng nhiều cho mùa kinh doanh tết. Bà Trương Muội cho biết, cửa hàng của bà đã giảm đến 50% lượng hàng dự trữ cho mùa chợ tết này. Các nhà nhập khẩu cũng không nhập hàng về nhiều vì sức mua quá yếu, giá cả thì không tăng, thậm chí còn giảm, có tiểu thương chấp nhận lấy công làm lời, chỉ lời ít trên giá bán, nhưng vẫn không thu hút được khách hàng. Theo giải thích của các tiểu thương, việc mãi lực giảm một phần là do người dân hạn chế tiêu dùng các sản phẩm ngọt nhằm bảo vệ sức khỏe, cũng như các gia đình tranh thủ những ngày nghỉ tết để đi du lịch. Vậy nên, chỉ mua một ít thực phẩm cho ngày tết.  

Sở Công thương TPHCM dự báo, nhóm các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt các loại tiêu thụ trên địa bàn thành phố trong mùa Tết 2019 này ước khoảng 18.500 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau để phục vụ cho tiêu dùng của thị trường.

Tin cùng chuyên mục