Chợ đầu mối sẵn sàng phục vụ tết

Vừa cung ứng hàng hóa cho các tỉnh lân cận, các chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM vẫn đảm bảo nguồn cung sản phẩm để không xảy ra tình trạng thiếu hàng trong dịp Tết Nguyên đán. Song song đó, các chợ đầu mối còn tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền
Kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền

Đảm bảo nguồn cung

Tết Âm lịch 2019 rơi vào tuần đầu tháng 2-2019 Dương lịch, như vậy các chợ đầu mối còn hơn 1 tháng để vào đợt cao điểm phục vụ hàng tết. Theo Ban quản lý chợ đầu mối Nông sản thực phẩm (NSTP) Bình Điền, nhờ các chính sách của nhà nước về bình ổn thị trường, hỗ trợ dự trữ các mặt hàng thiết yếu, ổn định vĩ mô, an sinh xã hội… nên khó có biến động tăng giá hàng hóa đột biến. 

Dự kiến những ngày cận tết, sản lượng hàng hóa về chợ Bình Điền có thể tăng bình quân từ 20% - 25% so với ngày thường. Đặc biệt vào những ngày giáp tết, sản lượng có thể tăng từ 50% - 60%, đạt khoảng 3.600 đến 4.000 tấn/đêm. Riêng mặt hàng thịt heo có thể tăng gấp 2 lần, rau củ tăng 2 lần, trái cây gấp 4 lần so với ngày thường. Ngược lại, nguồn hàng thủy sản sẽ giảm dần do các tàu khai thác khơi xa ngưng hoạt động. Chợ hoa dự kiến có hơn 200 vựa hoạt động vào ngày 22 đến chiều 30 tết.

Nhận định chung về giá cả thị trường giáp tết, Ban quản lý chợ đầu mối NSTP Bình Điền cho biết sẽ không có nhiều biến động do sản lượng về chợ tăng nhiều. Chỉ một số ít mặt hàng đặc thù sử dụng nhiều trong dịp tết như cá thu, cá lóc, mực, tôm, thịt heo, thịt gà và một số mặt hàng trái cây chưng tết có thể tăng giá vào ngày cao điểm, từ 10% - 40% so với ngày thường. 

Chuyên cung ứng mặt hàng nông sản, chợ đầu mối NSTP Thủ Đức hiện có 1.384 điểm kinh doanh, trung bình một ngày hàng hóa về khoảng 3.700 tấn, với 150 chủng loại đến từ nhiều địa phương. Ngoài sản phẩm trong nước, trái cây có hàng nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Newzealand, Canada… Từ tình hình thực tiễn, nhiều năm qua, các thương nhân tại chợ đầu mối Thủ Đức đã duy trì mối quan hệ gắn kết với các nhà sản xuất nhằm dự trữ hàng phục vụ tết vào những ngày cao điểm. Dự kiến, lượng hàng về chợ có thể đạt từ 7.000 - 7.500 tấn/ngày; trong đó, lượng rau dao động từ 2.700 - 3.000 tấn/ngày, trái cây dao động từ 4.300 - 4.500 tấn/ngày. Riêng hoa tươi về chợ khoảng 11.000 tấn và một số hoa tươi như hoa hồng, hoa ly, hoa huệ… giá có thể tăng từ 2 - 3 lần so với ngày thường. 

Theo chợ đầu mối NSTP Hóc Môn, để đảm bảo nguồn hàng, nhất là đối với các mặt hàng thường xuyên sử dụng như thịt heo, khổ qua, dưa leo, trái cây, các thương nhân đã chuẩn bị trước tết khoảng 6 tháng. Những năm qua, nhiều thương nhân liên kết với nông dân, đầu tư chi phí cung ứng giống cho nông dân và mở trạm thu mua tại vùng nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung và vệ sinh an toàn thực phẩm. Dự kiến, năm nay nguồn hàng chợ sẽ phong phú với sự góp mặt của một số tỉnh phía Bắc.

Kiểm tra an toàn thực phẩm

Theo kế hoạch, đầu tháng 12 Âm lịch, chợ đầu mối Bình Điền sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm với chiến dịch “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”; đồng thời, phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm trước và sau tết. 

Ngoài kiểm tra ngoại quan, cảm quan, để sản phẩm thủy sản đảm bảo độ tươi, không có tạp chất, Ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền còn tổ chức lấy mẫu kiểm tra nhanh. Đối với mặt hàng rau củ quả, trái cây, ban quản lý chợ chủ động lấy mẫu, giám sát kiểm tra chỉ tiêu dư lượng thuốc trừ sâu. Đối với sản phẩm động vật, kiểm tra giấy kiểm dịch, dấu niêm phong của lô hàng từ nơi giết mổ về chợ, chất lượng sản phẩm và phương tiện vận chuyển. Tương tự, Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức cho hay, những ngày cao điểm phục vụ tết đã có kế hoạch kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, vệ sinh môi trường, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết. Các thương nhân làm cam kết không đổi nhãn mác, bán hàng gian, hàng giả, sử dụng hóa, chất phụ gia, chất tẩy trắng, chất bảo quản độc hại gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm. Song song đó, ban quản lý chợ cũng tăng cường kiểm soát hàng hóa qua việc lấy mẫu hàng kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau củ quả. Đối với hàng nhập khẩu phải xuất trình đầy đủ giấy tờ.

Đặc biệt, thông qua Sở Công thương TPHCM, Ban quản lý chợ đầu mối Thủ Đức còn ký kết trực tiếp với nông dân, doanh nghiệp vùng nguyên liệu ở các tỉnh Lâm Đồng, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp… để đưa sản phẩm tốt về chợ. Từ đó, chợ xây dựng quy trình quản lý hàng hóa về chợ thông qua việc đăng ký số lượng, nguồn gốc sản phẩm của từng vùng miền để quản lý xuất xứ nguồn gốc, chất lượng...

Theo các chợ đầu mối, trong tuần trước tết sẽ tăng cường nhân lực lao động làm công tác vệ sinh 24/24 giờ để không tồn rác thải qua đêm; vệ sinh hệ thống mương, cống thoát nước và bề mặt sân chợ nhằm giảm thiểu tối đa việc phát sinh các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước thải; tăng cường công tác tiêu độc khử trùng…

Hiện nay, phần lớn lượng rác thải là từ mặt hàng nông sản chưa được sơ chế tại nguồn. Để giảm số lượng rác thải đưa vào chợ, Sở Công thương TPHCM cho biết, từ đầu năm 2019 sẽ không cho sơ chế trong nhà lồng chợ .

Tin cùng chuyên mục