Chớ coi thường bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp (THK) là bệnh mãn tính thường gặp ở người lớn tuổi, với các đối tượng nguy cơ như béo phì, có chấn thương khớp trước đó, tập luyện thể thao quá mức và có vấn đề về gen. Nguyên nhân chính gây ra bệnh THK là do phần sụn nằm ở đầu xương mòn dần theo thời gian, gây ra gai xương, biến dạng khớp… Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế.
Kỹ thuật viên đang tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người bệnh
Kỹ thuật viên đang tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng cho người bệnh

Tự ý điều trị khiến bệnh diễn tiến nặng

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM tiếp bệnh nhân nữ tên B.N.N. (60 tuổi, ngụ An Giang), nhập viện trong tình trạng sưng nóng, đỏ đau khớp gối phải, kèm sốt cao, suy thận. Bà N. cho biết bị đau khớp gối từ cách đây 2 năm, dù đã đi chữa trị nhiều nơi, sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như đắp lá, uống thuốc nam, châm cứu… nhưng bệnh tình không hết đau mà diễn biến ngày càng nặng. “Được bạn bè giới thiệu đi chích khớp để cải thiện tình trạng bệnh, sau mũi chích đầu tiên hiệu quả giảm đau rõ rệt, tôi quyết định chích tiếp mũi thứ 2. Tuy nhiên, 2 ngày sau, khớp gối bắt đầu sưng to, nóng đỏ và đau dữ dội, không thể vận động chân đau và nhiễm trùng toàn thân, phải nằm liệt giường. Các bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm kèm THK gối, viêm mô tế bào toàn vùng mô mềm quanh gối, phải phẫu thuật nội soi khớp, cắt lọc mô viêm nhiễm”, bà N. kể.

Trước đó, BV cũng tiếp nhận trường hợp chị Hoàng Ngọc H. (40 tuổi, ngụ TPHCM) bị đau lưng từ 6 tháng nay. Chị đến và được chẩn đoán đau lưng cơ năng. Bác sĩ hướng dẫn chị H. cần nghỉ ngơi, giảm ngồi lâu, chườm ấm lưng và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, ngoài việc phải ngồi làm liên tục gần 8 giờ/ngày, chị H. cùng người bạn tập yoga với nhiều động tác cúi gập lưng, đồng thời sử dụng thuốc bán trên mạng. Sau một tuần tập luyện, tình trạng đau lưng của chị H. ngày càng tăng, đi lại khó khăn hơn, không thể cúi người, khó ngồi dậy sau khi nằm nghỉ. Trở lại BV, chị H. được bác sĩ chẩn đoán THK cấp. 

Theo Th.S - bác sĩ Hoàng Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Chấn thương chỉnh hình BV Đại học Y Dược TPHCM, tại BV ghi nhận có hơn 80% trường hợp THK đến điều trị trong giai đoạn muộn vì lý do ngại điều trị, sợ phẫu thuật, dẫn đến việc tự ý chữa trị bằng các loại thuốc dân gian không rõ nguồn gốc. Việc làm này sẽ gây ra các biến chứng như loãng xương, suy thận, suy tuyến thượng thận, viêm loét dạ dày tá tràng… khiến cho việc điều trị càng thêm khó khăn. “Các bài thuốc chữa khớp dân gian đa số có thành phần corticoid với hàm lượng rất cao, có thể giúp giảm đau hiệu quả nhưng dùng nhiều sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho thận, tim mạch, dạ dày. Hơn nữa, việc đắp thuốc trên da có thể gây phỏng và nhiễm trùng da. Nhiễm trùng da lan sâu sẽ gây ra nhiễm trùng khớp và nhiễm trùng máu, thậm chí dẫn đến tử vong”, bác sĩ Anh Tuấn nói.

Cần thận trọng

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 20% dân số toàn cầu bị THK. Tại Mỹ, 80% dân số trên 55 tuổi bị THK. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc THK ở người trên 40 tuổi là khoảng 23,3% và có xu hướng ngày một gia tăng. Khớp gối là một trong những khớp thường dễ thoái hóa nhất. Phụ nữ dễ bị THK hơn nam giới, bệnh thường gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phải phẫu thuật thay khớp nhân tạo. 

Trước thực trạng đáng báo động này, bác sĩ Hoàng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, điều trị THK có hiệu quả nhất là ở thời điểm chẩn đoán. Vì vậy, nếu xuất hiện những triệu chứng đau khớp, cứng khớp buổi sáng, đau khi đi lên cầu thang, khi ngồi xổm hoặc khi mang vác nặng… kéo dài hơn 2 tuần, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, điều trị sớm, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cũng như tránh nguy cơ phẫu thuật. 

Còn theo Th.S - bác sĩ Lê Thị Thùy Phương, Khoa Phục hồi chức năng BV Đại học Y Dược TPHCM, đối với THK, bên cạnh phẫu thuật thay khớp thì phục hồi chức năng là giải pháp giúp phòng ngừa và điều trị THK với hiệu quả tương đương thuốc kháng viêm, giảm đau. Phục hồi chức năng đóng vai trò điều trị nền tảng trong tất cả các giai đoạn của quá trình điều trị THK: giai đoạn phòng ngừa, giai đoạn THK nhẹ, giai đoạn THK vừa - nặng và giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật. Đối với từng giai đoạn bệnh và từng người bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu trình tập luyện phục hồi chức năng phù hợp nhất. 

“Tuy nhiên, phục hồi chức năng là một phương pháp hỗ trợ nền cho sự phục hồi và cần có sự giám sát, chỉ định của các chuyên gia. Vì vậy, không nên tùy tiện điều trị mà chưa tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, để hạn chế những thương tổn trong sinh hoạt hàng ngày, cần tự tạo cho mình thói quen sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện đúng cách, bổ sung đầy đủ canxi, các sản phẩm hỗ trợ khớp, giảm thiểu THK, giúp sụn khớp và xương luôn chắc khỏe, dẻo dai”, bác sĩ Lê Thị Thùy Phương khuyến cáo.

Sáng 24-5, Báo Khoa học và Đời sống phối hợp với Hội Người cao tuổi phường 3 quận Gò Vấp (TPHCM) tổ chức chương trình Vui khỏe mỗi ngày, với chủ đề “Các bệnh lý cột sống và ký sinh trùng ở người cao tuổi”, nhằm giải đáp các thắc mắc về căn bệnh thường gặp này. Theo bác sĩ Lê Xuân Sơn, BV Sài Gòn - ITO Phú Nhuận, tại Việt Nam, bệnh lý đau lưng chiếm 2% tổng số dân và tỷ lệ những người trên 60 tuổi mắc căn bệnh này lên đến 19%. Bệnh là gánh nặng của toàn xã hội, đứng thứ 6 trong các dạng bệnh tật. Để phòng ngừa và điều trị căn bệnh này, cần tránh tăng cân, tăng cường ăn rau, thức ăn có nhiều vitamin C, omega 3, canxi… Bên cạnh đó, tránh những tư thế sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng xấu đến cột sống như cúi khom, nằm võng, nằm ghế bố, ngồi xổm, bưng vác vật nặng sai tư thế, nằm ngủ gối quá cao...

Tin cùng chuyên mục