Chính trường Mỹ lại xáo động

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ từ chức vào cuối tháng 2-2019.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc rút số lượng lớn binh lính khỏi Afghanistan, không lâu sau khi quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria, bất chấp sự phản đối của các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ cũng như các đồng minh của Washington.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis
 Nội bộ chia rẽ


Trên mạng xã hội Twitter ngày 20-12, Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ sớm đề cử người kế nhiệm ông Mattis. Việc ông Mattis từ chức là có thể đoán trước, sau khi giới chức quân sự và ngoại giao phản đối việc rút quân đội Mỹ khỏi Syria. Trong bức thư từ chức, Bộ trưởng Mattis cho biết ông rời bỏ chức vụ để Tổng thống Donald Trump tìm được một người đứng đầu Lầu Năm Góc có quan điểm đồng điệu hơn với các chính sách của mình. Ông Mattis cũng cho rằng Mỹ phải có chính sách rõ ràng hơn với những quốc gia như Trung Quốc và Nga, đồng thời cần duy trì các mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an ngày 20-12, Đại sứ Pháp tại Liên hiệp quốc, ông Francois Delattre phát biểu rằng Pháp đánh giá IS vẫn là một nguy cơ đối với Trung Đông. Theo kế hoạch, ngày 21-12, đại diện Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) - cánh tay chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) dưới sự hậu thuẫn của phương Tây -  sẽ đến Pháp (liên minh quốc tế đang hợp tác với SDF để tiêu diệt IS tại Syria) để thảo luận về các mối đe dọa từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng SDF, cách thức và thời điểm quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria. Hiện lực lượng Pháp, dù với số lượng nhỏ hơn, vẫn hiện diện ở miền Bắc Syria. Trợ lý của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông Macron đã gọi điện cho Tổng thống Donald Trump, kêu gọi phải tính đến hậu quả đối với các đối tác trong khu vực.

Trong khi đó, một số nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nhận định sẽ là cực kỳ khinh suất khi tin rằng Mỹ đơn thuần rời khỏi Syria, nơi được cho là sẽ bị tận dụng như đòn bẩy chống Iran, đặc biệt khi tính đến thực tế rằng việc rút quân đội Mỹ hiển nhiên sẽ củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga trong khu vực, điều trực tiếp đi ngược lại các lợi ích của Washington.

Giảm dần sự can thiệp ở nước ngoài

Cùng ngày, hãng Reuters dẫn nhiều nguồn tin tiết lộ Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc rút hơn 5.000 binh lính, trong tổng số 14.000 binh lính rời khỏi Afghanistan. Theo ABC News, đơn vị đầu tiên sẽ về nước trong những tuần tới. Tổng thống Donald Trump đã thảo luận kế hoạch này với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Tuy vậy, 3 quan chức an ninh hàng đầu của chính quyền Mỹ đều phản đối kế hoạch này. Các quan chức Lầu Năm Góc đã liên tiếp cảnh báo rằng việc rút số lượng lớn binh lính Mỹ khỏi Afghanistan sẽ tạo ra nguy cơ đối với an ninh nước Mỹ, như vụ tấn công ngày 11-9-2001.

Quân đội Mỹ hiện có mặt tại Afghanistan với vai trò tư vấn, hỗ trợ cho lực lượng an ninh sở tại trong cuộc chiến chống Taliban và các tổ chức khủng bố khác. Trong đó, phần lớn được triển khai theo chiến dịch do NATO dẫn đầu. Do vậy, bất kỳ kế hoạch rút quân nào của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các lực lượng NATO. Tuy nhiên, bất chấp sự ảnh hưởng của đồng minh, Tổng thống Donald Trump đã từng nhiều lần đề cập đến việc dừng tiêu tốn tiền bạc vào việc tái thiết Afghanistan và nêu lên sự cần thiết phải tái thiết nước Mỹ trước đã. Vì vậy, với hơn 2.400 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài 17 năm tại “vũng lầy Afghanistan”, thì kế hoạch rút binh lính Mỹ được xem là dấu hiệu tiếp theo mới nhất cho thấy Tổng thống Donald Trump quyết tâm giảm dần sự sự can thiệp quân sự của nước này ở nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục