TPHCM – Dấu ấn nỗ lực vượt khó vươn lên

Chỉnh trang đô thị và điểm sáng Nhiêu Lộc - Thị Nghè

TPHCM đã chủ động, sáng tạo nhiều mô hình để thúc đẩy quá trình chỉnh trang đô thị, giải quyết đồng bộ vấn đề phát triển kinh tế với cải thiện dân sinh và môi trường. Trong đó, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một điểm sáng…
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo. Ảnh: MẠNH LINH
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo. Ảnh: MẠNH LINH

Từ lâu, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ TPHCM nhận thức rất rõ đặc điểm kinh tế của địa phương là kinh tế đô thị. Vì thế, TPHCM đã chủ động, sáng tạo nhiều mô hình để thúc đẩy quá trình chỉnh trang đô thị, giải quyết đồng bộ vấn đề phát triển kinh tế với cải thiện dân sinh và môi trường. Trong đó, tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một điểm sáng…

Trăn trở trước cuộc sống dân nghèo

“Hàng loạt câu chuyện trong việc di dời người dân sống trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dù xảy ra rất lâu nhưng tôi không thể nào quên”, ông Nguyễn Minh Dũng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực điều hành chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè, khẳng định như vậy khi chúng tôi nhắc lại dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Trầm giọng, ông Nguyễn Minh Dũng kể: Hơn 30 năm trước, lãnh đạo TPHCM đã nhận thấy tình trạng tắc nghẽn và ô nhiễm nghiêm trọng ở tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

“Mùi hôi thối từ kênh bốc lên kinh khủng. Ai không quen thì ở vài giờ là không chịu nổi. Hàng ngàn căn nhà bé như hộp diêm, thậm chí diện tích chỉ vài mét vuông, được hình thành từ mấy cây trụ cắm xuống lòng kênh và lợp mái tạm bợ. Mọi sinh hoạt như ăn, ngủ và bài tiết đều tại chỗ. Điều này gây ra nhiều trăn trở cho Đảng bộ và chính quyền TPHCM. Bên cạnh đó, trong các năm kháng chiến, nhiều cán bộ mật ở Sài Gòn được người dân ở đây che giấu, bảo vệ. Chính vì vậy, Thành ủy đã ra nghị quyết về chương trình lo chỗ ở, cải thiện đời sống cho người dân nghèo sống trên kênh rạch và cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè".

Ban đầu, từ năm 1985, TPHCM lên chương trình khơi thông tuyến kênh. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên chỉ làm thí điểm được một đoạn ngắn rồi ngưng. Năm 1993, Chủ tịch UBND TP lúc bấy giờ là đồng chí Trương Tấn Sang tiếp tục bày tỏ quyết tâm phải thực hiện ngay chương trình. UBND TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình cải tạo, chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đặt ra các nhiệm vụ quan trọng: Nạo vét, khơi thông, chống ngập cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (với trên 1 triệu người dân); chỉnh trang kênh và cải thiện đời sống dân nghèo; mở thông đường hai ven kênh, tạo trục giao thông thủy dưới kênh và tuyến tàu điện mặt đất dọc kênh…

Chỉnh trang đô thị và điểm sáng Nhiêu Lộc - Thị Nghè ảnh 1 Người dân tập thể dục trong môi trường xanh, sạch bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: VIỆT DŨNG
Quyết tâm và sáng tạo

Theo ông Nguyễn Minh Dũng, trong những năm đầu khởi động chương trình, TPHCM gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhất là nguồn vốn thực hiện công tác giải tỏa, tái định cư. Không chùn bước, TPHCM tìm hướng đột phá. Giải pháp đưa ra là thực hiện bán hóa giá nhà thuộc sở hữu nhà nước để vừa ổn định nhà ở cho người đang thuê (chủ yếu là những người có công với cách mạng), lại có tiền xây nhà tái định cư cho những hộ dân bị giải tỏa. Tuy nhiên, do nôn nóng triển khai, TPHCM chưa thực hiện chặt chẽ về thủ tục pháp lý nên bị “tuýt còi”. Trung ương yêu cầu nhà nào đã bán thì phải trả lại tiền và ký hợp đồng cho thuê tiếp. Thế là dự án cải tạo, chỉnh trang kênh lại tiếp tục vấp phải khó khăn cũ.

“Do quá bức bách về kinh phí thực hiện, TPHCM kiên trì làm việc, thuyết trình các cơ quan trung ương xây dựng dự thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định 61/CP về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước”, ông Dũng nhắc lại và nhận xét chính sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các bộ ngành Trung ương đã góp phần tháo gỡ các khó khăn cho chương trình.

Bên cạnh việc đề xuất về việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, TPHCM còn đề nghị và Chính phủ ban hành Nghị định 60/CP về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị. Có được các căn cứ pháp lý này, TPHCM một mặt phân cấp cho các quận huyện đẩy mạnh công tác cấp giấy tờ nhà, đất; tập trung bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và một mặt tiếp tục soạn thảo, đề xuất với Trung ương các chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện.

Có được nguồn tiền từ việc bán hóa giá nhà, TP tập trung cho công tác xây nhà tái định cư. “TPHCM chọn các khu đất công rồi huy động các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp công ích tham gia xây nhà tái định cư với chính sách đặc biệt để có giá nhà tái định cư thấp nhất. Xây nhà xong, TPHCM thuê xe chở từng đoàn, từng đoàn người dân đến các khu vực tái định cư ở các quận 3, Phú Nhuận, Tân Bình… để người dân tham quan, lựa chọn nơi tái định cư sau khi di dời khỏi tuyến kênh. TPHCM còn tạo điều kiện cho người dân bằng cách bán nhà tái định cư trả góp 10 năm”, ông Dũng nhắc lại và nhận xét đây là một trong những điểm quan trọng để thuyết phục được hàng ngàn người dân sống trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè di dời.

Tuy nhiên, TPHCM lại gặp trở ngại khác là công tác bồi thường. Lúc này do chưa có công thức, nghị định hay nghị quyết về giá bồi thường nên đôi lúc các đề nghị của TPHCM về việc thực hiện thí điểm bồi thường, giải tỏa ven và trên kênh rạch gặp trắc trở. TPHCM phải lần mò tính toán chi tiết, cụ thể và đầy đủ từng loại nhà, chủ yếu dựa trên hiện trạng và lấy ý kiến của người dân. Bên cạnh đó, TPHCM còn triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, vận động, trong đó, đích thân lãnh đạo ban chỉ đạo chương trình đến vận động, giải thích từng thắc mắc của bà con, qua đó đã tạo sự hưởng ứng, chấp hành từ phía người dân…

Ông Nguyễn Minh Dũng đánh giá: “Chính sự dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo TPHCM, sự đồng lòng, quyết tâm của Thường vụ Thành ủy và sự tin tưởng của người dân đã giúp đẩy lùi các khó khăn, thúc chương trình thực hiện trôi chảy”.

Đồng thời, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan trung ương, đặc biệt là Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính, đã góp phần quan trọng cho thành công của dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong quá trình thực hiện, một số chính sách do TPHCM đề xuất đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể (như Nghị định 60/CP, Nghị định 61/CP, Nghị định 22/1998/NĐ-CP về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng) để áp dụng chung cho các nơi khác.

Tiền đề cho kế hoạch chỉnh trang đô thị

Chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bắt đầu từ giữa tháng 3-1993. Đến năm 2000, TPHCM đã di dời và tái định cư cho gần 9.300 hộ dân hoàn thành. Sự thành công này đã được các tỉnh, thành như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang... liên tục vào tham quan, học tập. Tương tự, các đoàn khách quốc tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản, châu Âu cũng đến tìm hiểu và bày tỏ sự ngạc nhiên trước kết quả mà TPHCM đạt được.

Đây cũng là điểm quan trọng để WB quyết định cấp vốn ODA (ban đầu là 166 triệu USD, sau nâng lên 294 triệu USD) cho TPHCM tiếp tục nạo vét lòng kênh, xây tuyến cống bao thu gom nước thải… để cải tạo tuyến kênh, giảm thiểu ô nhiễm, chấm dứt tình trạng ngập lụt cho hơn 33km² thuộc lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài trên 7 quận. Đầu năm 2017, WB tiếp tục cho TPHCM vay 450 triệu USD (tổng vốn dự án khoảng 524 triệu USD) để xây dựng nhà máy xử lý nước thải và tuyến cống bao dài 8km dẫn nước thải từ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về xử lý. Theo UBND TP, dự án này sẽ góp phần cải thiện môi trường, khôi phục hệ sinh thái sông Sài Gòn, nâng cao chất lượng sống của người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của TP.

Sự thành công của chương trình Nhiêu Lộc - Thị Nghè còn là cơ sở để TPHCM tiếp tục thực hiện việc di dời nhà ven và trên kênh rạch nhằm chỉnh trang Bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé hay tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm… Các dự án này đã góp phần tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục