Chính phủ yêu cầu thay nhà đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT), UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan báo cáo rõ Thủ tướng Chính phủ nguyên nhân của việc chậm tiến độ dự án cũng như trách nhiệm của các đơn vị; đề nghị tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BOT, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.

Bộ GT-VT cần thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang để đề xuất chuyển đổi cấp quản lý nhà nước đối với dự án; đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về lãi suất vay vốn cũng như các vướng mắc khác đối với dự án; đồng thời rà soát, xây dựng lại phương án tài chính của dự án trên cơ sở dùng vốn tài trợ của các ngân hàng thương mại nhà nước. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cơ cấu lại nhà đầu tư dự án, thay thế nhà đầu tư yếu kém bằng nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật để tiếp tục đầu tư dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra (được khởi công năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc). Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP (hình thức đối tác công - tư), cũng như năng lực của nhà đầu tư.

* Ngày 19-2, Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết đang hoàn tất kế hoạch thu phí trở lại để thông báo UBND tỉnh Tiền Giang và trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt. Dự kiến ngày 26-2, Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp báo thông báo chính thức ngày thu phí trở lại của trạm BOT Cai Lậy. Theo phương án được chọn, trạm BOT Cai Lậy sẽ giữ nguyên vị trí hiện nay nhưng giảm mạnh giá vé và mở rộng đối tượng được miễn giảm. Cụ thể, mức giá vé áp dụng đối với nhóm phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt công cộng) giảm từ 35.000 đồng còn 5.000 đồng/vé/lượt. Các nhóm phương tiện khác cũng được giảm 40%-60% so với mức giá ban đầu. 

* Cùng ngày, Tổng cục Đường bộ yêu cầu nhà đầu tư BOT Cầu Rác trên quốc lộ 1 (Hà Tĩnh) tạm dừng thu phí từ 0 giờ ngày 21-2 để tính toán lại phương án tài chính dự án này. Tổng cục Đường bộ cho biết, hiện còn nhiều nội dung về quyết toán đợt 5 và phương án tài chính dự án chưa được thống nhất giữa tổng cục và nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải khẩn trương bổ sung hồ sơ, chứng từ, số liệu theo hướng dẫn, cử cán bộ phối hợp với tổng cục tính toán lại phương án tài chính để xác định thời gian thu phí mới của dự án. Với các phương tiện đã mua vé hết tháng 2 và quý 1, nhà đầu tư phải hoàn trả khách hàng và thu hồi vé đã bán...

Trạm thu phí BOT Cầu Rác từng nhiều lần bị người dân phản đối khi cho rằng trạm này đặt trên quốc lộ 1, nhưng lại thu phí cho dự án tuyến tránh TP Hà Tĩnh.

Tin cùng chuyên mục