Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sau hơn 8 năm thi hành, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn...

Chiều 7-11, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 17-6-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Sau hơn 8 năm thi hành, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2010 là yêu cầu cấp thiết. 

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: QUOCHOI.VN
Việc sửa đổi các quy định của Luật Thi hành án hình sự để cụ thể hóa các quy định Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm thực thi quyền của người đang chấp hành án.
Cùng với đó, việc Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung các quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện; sửa đổi quy định liên quan đến hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Do vậy, cần bổ sung các quy định về việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đối với pháp nhân thương mại phạm tội; quy định về thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án và các quy định khác có liên quan trong việc quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; về nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo; việc lao động phục vụ cộng đồng của người chấp hành án cải tạo không giam giữ; thi hành biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi trong Luật Thi hành án hình sự để bảo đảm tính thống nhất của Luật Thi hành án hình sự với hệ thống pháp luật của nhà nước ta.

Mặt khác, Luật Thi hành án hình sự hiện hành cũng bộc lộ một số bất cập như chưa quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; chưa quy định cụ thể về đồ vật cấm mang vào trại giam; còn thiếu quy định về tiêu chuẩn chế độ ăn, mặc đối với con dưới 36 tháng tuổi, chế độ chăm sóc, khám chữa bệnh cho đối tượng này; vướng mắc trong công tác bố trí giam giữ riêng đối với những đối tượng đặc biệt như người đồng tính, người chuyển giới, người chưa xác định được giới tính... Vì vậy cũng cần sửa đổi Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm sự nghiêm minh của bản án, quyết định của Tòa án, tính thống nhất của chính sách hình sự và thể hiện tính nhân đạo; kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này có 16 chương, 232 điều. So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp.

Phạm vi sửa đổi rộng (sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 1 mục, 4 điều), thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (bổ sung 1 chương, 7 mục), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) thay vì tên gọi là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 như Nghị quyết số 34/2017/QH14 của Quốc hội.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật này vào chiều ngày 12-11 và thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 19-11.

Tin cùng chuyên mục