Chính phủ phải tự đổi mới, để đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia thời đại số

Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.

Sáng 18-7, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 diễn ra trọng thể tại Hà Nội với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”.

Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp với Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đồng tổ chức.

Trong năm thứ 8 tổ chức này, diễn đàn có sự tham dự của trên 650 đại biểu cấp cao từ Chính phủ, 10 bộ và các cơ quan ngang bộ; 31 cục, tổng cục, trung tâm, viện nghiên cứu; lãnh đạo tỉnh, sở, ban ngành từ 27 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại sứ, tham tán thương mại của 12 quốc gia tại Việt Nam, các lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, cùng đông đảo phóng viên báo chí trong và ngoài nước.

Chính phủ phải tự đổi mới, để đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia thời đại số ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2018 sáng 18-7. Ảnh TRẦN BÌNH
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.
Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Thành viên Ủy ban, ngoài bộ trưởng các bộ liên quan trực tiếp tới các nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng Chính phủ điện tử còn có sự tham gia của đại diện cho khu vực tư nhân để tăng cường và bảo đảm cơ chế hợp tác công - tư chặt chẽ trong tiến trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Việc quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Thủ tướng khẳng định: với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể, nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.
Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
1. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế;
2. Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
3. Dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử trong ngắn hạn và trung hạn và rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn, kể cả xã hội hóa và vay thương mại;
4. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số.

Thủ tướng mong muốn Vietnam ICT Summit 2018 sẽ góp phần tạo nhận thức chung sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số như những đặc trưng về tính chia sẻ, về giá trị gia tăng hay nền tảng ứng dụng công nghệ số, những đặc tính của sản phẩm như cấu trúc, giá trị, quy mô và tính cá biệt, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối và thị trường..., từ đó lựa chọn được hướng đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong phát triển kinh tế số.

Thủ tướng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lịch sử song cũng đầy thách thức đối với công cuộc cải cách và phát triển đất nước. Để không bỏ lỡ cơ hội này, trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.

Phát biểu tại điễn đàn, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, Trưởng Ban Tổ chức Vietnam ICT Summit 2018 cho biết: “Sự khác biệt giữa diễn đàn lần thứ 8 này với các diễn đàn trước ở chỗ chúng ta đã có được sự quyết tâm cao của Chính phủ. Vì vậy diễn đàn lần này sẽ cùng chung tay, bắt tay vào hành động. Trong bối cảnh cuộc cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, làm quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai”.

Theo kế hoạch, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, ban tổ chức diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của diễn đàn. Nội dung của thông điệp cùng kết quả các buổi thảo luận sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp và gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước sau khi kết thúc diễn đàn.

Chính phủ phải tự đổi mới, để đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia thời đại số ảnh 2 Các công ty công nghệ Việt Nam đã sẵn sàng với công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi số. Ảnh TRẦN BÌNH
Được biết, để thấy được thực trạng về phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan, doanh nghiệp, Ban Tổ chức Vietnam ICT Summit 2018 đã tiến hành khảo sát 180 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp tham dự diễn đàn năm nay.
Theo khảo sát về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, khi được hỏi về 3 nhân tố quan trọng nhất để Việt Nam phát triển nền Kinh tế số, đa số ý kiến đều cho rằng việc Xây dựng chính phủ số kiến tạo, hành động, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân, doanh nghiệp là quan trọng nhất (137 phiếu, tương đương 76,1%); kế đó là việc Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin với 104 phiếu, tương đương 57%; và cuối cùng là Phát triển hạ tầng số, kết nối liên thông và dữ liệu mở  (90 phiếu, tương đương 50%).
Về phía tổ chức, doanh nghiệp, 3 nhân tố được cho là quan trọng nhất để giúp đẩy nhanh chuyển đổi số là Tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo (162 phiếu, tương đương 90%); Xây dựng kế hoạch chuyển đổi số cụ thể (123 phiếu, tương đương 68,3%); và cuối cùng là Đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực cho phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số (93 phiếu, tương đương 51,7%).
Với câu hỏi về 3 lĩnh vực nào của Việt Nam cần và có thể thực hiện đổi mới ngay, quyết liệt để thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam, lĩnh vực Công nghệ thông tin đứng vị trí đầu tiên với 133 phiếu tương đương 73,9%; Tiếp đến là lĩnh vực Thương mại điện tử với 88 phiếu chiếm 48,9%; và thứ ba là Giáo dục và Đào tạo với 69 phiếu, chiếm 38,3%.
Với câu hỏi về hiểu biết về chuyển đổi số chưa? Đã có hoạt động cụ thể gì thúc đẩy chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức của mình chưa? Không có phiếu nào đề cập là không có hiểu biết và chưa có hành động gì. 34,4% người được hỏi trả lời đã có tìm hiểu nhưng chưa biết cần làm gì?; 32,2% trả lời đã hiểu và đã sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số và 28,9% hiện đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số.

Tin cùng chuyên mục