“Chim cánh cụt” trong vòng tay yêu thương

Hàng ngày, Hoài Thương được mẹ chở đến trường trên đoạn đường dài hơn 4 cây số. Đến cổng trường, được mẹ đỡ xuống, tự em ngồi trên chiếc xe lăn nhỏ, hai tay lăn xe để vào lớp học.

LTS: Phát biểu trong dịp 57 năm Ngày thảm họa da cam/dioxin (10-8-1961 - 10-8-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nhiều nạn nhân chất độc da cam đã không đầu hàng số phận, kiên trì vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Nhân dịp này, bạn đọc Trần Văn Tám (giáo viên Trường Tiểu học Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TPHCM) kể thêm câu chuyện về nghị lực vượt khó của một nạn nhân di chứng chất độc da cam.

“Chim cánh cụt” trong vòng tay yêu thương ảnh 1 Em Nguyễn Hoài Thương trong giờ học tiếng Anh
Giữa học kỳ 2 năm học 2017-2018 vừa qua, tôi có dịp ghé thăm lớp 4/3 Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (huyện Củ Chi, TPHCM) để thăm em Nguyễn Hoài Thương. Em là một học sinh bị khuyết tật tứ chi do hậu quả di chứng của chất độc da cam, đang học hòa nhập với học sinh phổ thông. Trong trường, trong lớp và cả trong xóm ấp, ai cũng gọi em là “chim cánh cụt”. Tuy nhiên, em không mặc cảm mà vui với cái tên này. 

Hàng ngày, Hoài Thương được mẹ chở đến trường trên đoạn đường dài hơn 4 cây số. Đến cổng trường, được mẹ đỡ xuống, tự em ngồi trên chiếc xe lăn nhỏ, hai tay lăn xe để vào lớp học.

Các thầy cô ở đây kể: “Từ lúc em mới vào học lớp 1 đến lớp 2, thấy em đến trường, thầy Hòa, thầy Long, cô Hồng... thường thay nhau cõng hoặc bế em đưa lên cầu thang để vào lớp. Từ khi em học lớp 3 và năm học rồi là lớp 4, em đã có thể tự mình lên cầu thang bằng hai chân cụt đến đầu gối của mình, đi nhanh nhẹn không thua gì các bạn khác. Em chỉ phải nhờ bạn ôm giùm chiếc xe lăn". 

Thầy Nguyễn Mạnh Thường, Phó Hiệu trưởng nhà trường đưa tôi xuống lớp em Hoài Thương đúng vào giờ học tiếng Anh. Cô giáo Lương Thị Hồng cho biết: “Hoài Thương học tiếng Anh khá. Trong lớp, em luôn chăm chú học bài, lắng nghe giáo viên giảng, em thường xuyên phát biểu rất mạnh dạn, tự tin giao tiếp tiếng Anh với cô giáo. Chỉ có điều em viết hơi chậm do cầm bút bằng khuỷu tay, nhưng chữ viết em nắn nót, ngay hàng thẳng lối, dễ đọc”.

Tôi thử mở tập tiếng Anh của em thì thấy quả đúng như lời cô giáo nói, nhiều bài tập được cô giáo nhận xét “Good”. 

Cô Trần Kim Thạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, cho biết thêm: “Em Hoài Thương học tập rất chuyên cần, hầu như không vắng buổi học nào, em học khá đều các môn. Mặc dù bị khuyết tật nặng như thế nhưng em tham gia đầy đủ các môn học. Chỉ có môn thể dục, khi các bạn học thì em ngồi trên xe lăn nhìn, nhưng đến khi thầy giáo tổ chức trò chơi thì em cũng xung phong tham gia một cách nhiệt tình. Hôm thầy dạy thể dục tổ chức trò chơi ném bóng chuyền, em bắt, chụp và ném bóng đầy hứng thú”.

Khi tiếp xúc với em, tôi nhận thấy em rất ngoan, lễ phép, có tinh thần lạc quan ham học tập, trên khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười vui tươi. “Chim cánh cụt” luôn sống trong vòng tay yêu thương của thầy cô và bạn bè là như thế!

Tin cùng chuyên mục