Chiến lược đầu tư hàng nhãn riêng

Các sản phẩm hàng nhãn riêng của hệ thống siêu thị không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong phân khúc này, nhiều nhà bán lẻ cho biết, năm 2019 sẽ tập trung nâng tầm cho hàng nhãn riêng, qua đó làm đòn bẩy để tăng trưởng sản phẩm.
Hàng nhãn riêng có chất lượng mới thu hút được người tiêu dùng
Hàng nhãn riêng có chất lượng mới thu hút được người tiêu dùng

Lợi cả đôi bên

Xu hướng làm hàng nhãn riêng đang được các nhà phân phối triển khai mạnh mẽ, từ hệ thống siêu thị nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam, nhà bán lẻ nội như Saigon Co.op, đến các thương hiệu bán lẻ vốn ngoại là Big C, Lotte Mart, Emart... Chủng loại sản phẩm nhãn hàng riêng liên tục được tăng cường, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Theo các nhà bán lẻ, về giá cả, sản phẩm hàng nhãn riêng luôn rẻ hơn các sản phẩm cùng loại từ 5% - 30%; đây là yếu tố tạo nên sức hút cho các sản phẩm trên quầy kệ nhãn hàng riêng. Để có mức giá ấy, nhà bán lẻ đã kiểm soát quy trình sản xuất, không tốn phí quảng cáo, tiếp thị và nhiều chi phí khác.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển nhãn hàng riêng, đại diện Saigon Co.op cho biết, doanh nghiệp thành lập bộ phận chuyên về hàng nhãn riêng để đẩy mạnh phát triển hàng hóa ở phân khúc này. Bắt đầu phát triển hàng nhãn riêng từ năm 2007 tới nay, hàng nhãn riêng Co.opmart đã có hơn 300 mặt hàng với gần 3.000 mã hàng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ đến hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, may mặc.

Lý giải cho sự phát triển mạnh, đại diện Saigon Co.op khẳng định việc làm hàng nhãn riêng là xu hướng phát triển tất yếu của bán lẻ hiện đại; tạo mối quan hệ tương hỗ, hợp tác cùng phát triển giữa nhà phân phối và nhà sản xuất. Sự hợp tác này giúp nhà sản xuất tối ưu hóa công suất máy móc, thiết bị, chi phí nhân công; qua đó giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Các siêu thị luôn ưu ái dành hẳn khu vực quầy kệ để trưng bày kinh doanh hàng nhãn riêng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhãn hàng riêng của các nhà bán lẻ đang cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất vốn đang là khách hàng của họ. Nếu hiểu ở góc độ cạnh tranh thì câu chuyện sẽ mang ý nghĩa đó; còn nếu nhìn ở phạm vi tạo thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng thì nhãn hàng riêng vẫn có ý nghĩa không nhỏ.

Với giá bán rẻ hơn hàng hóa cùng loại nên hàng nhãn riêng phục vụ cho nhóm người tiêu dùng xem tiêu chí giá cả là ưu tiên khi lựa chọn mua sắm. Bản thân các nhà sản xuất đã tham gia cả hai chân: vừa sản xuất để bán vừa gia công. Thực tế, nhìn sâu vào câu chuyện thì nhãn hàng riêng gần như tạo cho nhà sản xuất cùng thị trường thêm phân khúc sản phẩm.    

Nâng tầm hàng nhãn riêng

Theo khảo sát của chúng tôi, với lợi thế giá rẻ, hàng nhãn riêng đã được một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn. Các sản phẩm hóa mỹ phẩm được mua sắm nhiều vì người tiêu dùng vẫn hiểu sản phẩm được nhà bán lẻ đặt hàng các nhà sản xuất lớn.

Từ tâm lý đó, hàng nhãn riêng đã không ngừng phát triển. Tuy nhiên, thực tế có một vấn đề phải thừa nhận là so với hàng hóa cùng loại, chất lượng của hàng nhãn riêng vẫn chưa thực sự tạo được niềm tin từ đa số khách hàng.

Việc đa dạng nguồn hàng hóa để thu hút khách hàng là mục tiêu, chiến lược lớn, đáp ứng cho câu chuyện sống còn của hệ thống bán lẻ. Vì vậy, việc cải thiện chất lượng cho các sản phẩm hàng nhãn riêng là điều không thể không làm. Và vấn đề này đang được nhiều hệ thống bán lẻ tập trung thực hiện.

Đơn cử như Saigon Co.op, hiện có nhiều động thái để đẩy mạnh triển khai nhóm hàng nhãn hàng riêng. Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và định hướng phát triển hoạt động kinh doanh năm 2019, ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho biết trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài và thương mại điện tử, trong năm 2019, Saigon Co.op phấn đấu đạt 1.000 điểm bán và tập trung phát triển hàng nhãn riêng bằng việc đưa nhãn hàng này nhận diện theo hướng cao cấp hơn. Dự kiến trong quý 2-2019, đơn vị này sẽ thông qua chiến lược mới cho hàng nhãn riêng.

Bắt đầu từ những năm 2000, hàng nhãn riêng với lợi thế giá rẻ hơn hàng cùng loại đã được người tiêu dùng để ý và các nhà bán lẻ lấy đó làm chiến lược cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu chất lượng của hàng nhãn riêng thấp quá thì người tiêu dùng sẽ mau chán và có sự so sánh rõ rệt, nhất là khi đời sống của người dân nâng cao, nhu cầu tiêu dùng cũng thay đổi.

Vì thế, việc nâng cấp tạo sự mới mẻ cho hàng nhãn riêng là điều cần thiết nếu các nhà bán lẻ muốn phát triển nhãn hàng riêng của mình.

Tin cùng chuyên mục