Chỉ quản lý hành nghề kiến trúc là không đủ ​

"Mục đích chính của việc xây dựng Luật Kiến trúc ngoài việc xây dựng những cơ sở pháp lý để đội ngũ kiến trúc sư phát triển. Tuy nhiên, một mục đích khác cũng không kém phần quan trọng đó chính là góp phần hình thành diện mạo kiến trúc đặc trưng của đất nước..." - ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Kiến trúc sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp toàn thể hôm nay 14-11. Nhấn mạnh rằng đây là một dự án luật rất khó, bởi có sự đan xen chặt chẽ các yếu tố văn hoá, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật…, ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận định, thực tế đang có những khoảng trống về quản lý kiến trúc hướng đến mục tiêu gìn giữ và bồi đắp kiến trúc dân tộc.

PV: Thưa ông, dự án Luật Kiến trúc có thể chia thành 2 phần chính là quản lý kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc sư. Thảo luận tại tổ ĐBQH về vấn đề này, có ý kiến cho rằng để có thể quản lý kiến trúc một cách hiệu quả thì cần xác định được bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì? Nhưng đây lại chính là vấn đề đang có nhiều tranh cãi. Là lãnh đạo của cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự Luật, ông có bình luận gì?

Chỉ quản lý hành nghề kiến trúc là không đủ ​ ảnh 1 Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 
ÔNG LÊ QUANG HUY: Đúng là trả lời câu hỏi “bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì” thực sự không đơn giản. Đây là một quy định cần nghiên cứu, bổ sung trong phần quản lý kiến trúc của dự thảo Luật. Xác định nội hàm “bản sắc kiến trúc Việt Nam” là việc khó. Nhưng khó lại càng không thể không làm, vì đó chính là khung khổ pháp lý quan trọng cho việc định hình diện mạo kiến trúc của đất nước.

Bạn biết đấy, kiến trúc mang trong mình yếu tố nghệ thuật về tổ chức không gian, vì thế ở đây không chỉ có vấn đề khoa học, kỹ thuật, mà còn gắn bó chặt chẽ với văn hoá, lịch sử, sáng tạo nghệ thuật nữa. Bản sắc kiến trúc mang đặc trưng về điều kiện tự nhiên, đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của từng giai đoạn trong quá trình phát triển, không phải là bất biến mà luôn vận động và trên con đường đó sẽ lắng đọng lại những gì cốt tủy nhất, bền vững nhất. Bản sắc kiến trúc quốc gia mang những đặc trưng chung, mang tính khái quát, còn từng vùng, miền, địa phương trong cả nước thì những đặc trưng chung nhất này lại được cụ thể hóa phù hợp.

Một cái khó nữa liên quan đến bản sắc kiến trúc là quản lý việc thể hiện, gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống, dân tộc như thế nào? Hoàn toàn không khả thi và cũng là không hợp lý nếu quy định bắt buộc bản sắc kiến trúc phải hiện diện ở mọi công trình, mọi không gian, cảnh quan. Vậy thì ở những vị trí nào, công trình nào, đối tượng nào cần phải thể hiện bản sắc.

Ngoài ra, quyền hợp pháp của chủ đầu tư, những điều kiện cần thiết đảm bảo cho việc thể hiện bản sắc kiến trúc là những khía cạnh cần nghiên cứu, xem xét. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ví dụ như ở các đô thị, các công trình mặt tiền tuyến phố lớn, công trình có yêu cầu cao về kiến trúc… là những yếu tố quan trọng làm nên diện mạo của đô thị thì bắt buộc phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định, chứ không phải chủ đầu tư muốn áp đặt như thế nào cũng được.

Tuy nhiên, để thể hiện được những yêu cầu này, chủ đầu tư được chính quyền nơi đó hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau như hỗ trợ dịch vụ tư vấn kiến trúc, kỹ thuật xây dựng…

Ngoài ra, kiến trúc là hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp thô bạo mà cần có nhiều giải pháp mềm dẻo, linh hoạt. Phân định ranh giới giữa tự do sáng tạo và quản lý bằng luật pháp là không dễ dàng.

Tóm lại, liên quan đến bản sắc kiến trúc Việt Nam, đúng là còn có nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét cẩn trọng để quy định vào trong Luật sao cho hợp lý và khả thi chứ không chỉ là những “tuyên ngôn” rất hay nhưng chung chung, chỉ nằm ở trong Luật mà rất khó đi vào cuộc sống.

Có lẽ vì vậy mà cũng có vị ĐBQH cho rằng trước hết nên làm Luật Kiến trúc sư, tức là tập trung vào điều kiện hành nghề, quản lý hành nghề kiến trúc… Ông có đồng tình với quan điểm này?

Tôi không nghĩ thế. Mục đích chính của việc xây dựng Luật Kiến trúc ngoài việc xây dựng những cơ sở pháp lý để đội ngũ kiến trúc sư phát triển. Tuy nhiên, một mục đích khác cũng không kém phần quan trọng đó chính là góp phần hình thành diện mạo kiến trúc đặc trưng của đất nước. Đành rằng muốn có diện mạo kiến trúc tốt thì cần phải có kiến trúc sư giỏi nhưng kèm theo đó phải có những định chế mang tính quản lý về diện mạo kiến trúc. Do vậy, theo tôi cần thiết quy định ở trong Luật nội dung về quản lý kiến trúc gắn với từng nhóm đối tượng có liên quan thông qua các công cụ quản lý như quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Làm rõ nội dung quy định về hành nghề kiến trúc là không quá khó.

Dù đó là một ngành nghề đặc thù, nhưng tôi cho rằng việc quản lý hành nghề kiến trúc cũng sẽ không quá khác biệt với các ngành nghề khác như luật sư, bác sĩ… Trong khi đó, quy định về quản lý kiến trúc là nội dung khó hơn nhiều. Chỉ riêng việc nghiên cứu, thống nhất quy định mang tính nguyên tắc về bản sắc kiến trúc truyền thống, dân tộc đã là việc không hề dễ dàng.

Chỉ quản lý hành nghề kiến trúc là không đủ ​ ảnh 2 Một góc TPHCM
Ngắn gọn và nôm na nhất thì “bản sắc chung có tính nguyên tắc” mà ông đề cập đến là như thế nào?

Còn phải suy nghĩ thêm, nhưng những đặc trưng đầu tiên, chung nhất của bản sắc kiến trúc truyền thống mà tôi nghĩ đến rất gần gũi với tính cách của con người Việt Nam, của nền văn minh lúa nước: mang tính đậm tính dân tộc, tính địa phương; giản dị, khiêm tốn; khoáng đạt, hài hoà, gần gũi với tự nhiên, cảnh quan, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, tập quán văn hóa; kết cấu tương xứng, hài hòa, chắc chắn nhưng kinh tế; màu sắc trang nhã; ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện, vật liệu địa phương…    

Nhưng theo tôi, bản sắc không phải là bất biến mà có sự vận động, phát triển. Bản sắc kiến trúc của Việt Nam ở thời phong kiến không giống và cũng không thể áp dụng một cách máy móc cho thế kỷ thứ XXI. Kiến trúc một toà nhà bây giờ có thể được coi là “chưa Việt Nam lắm”, nhưng 40-50 năm nữa, biết đâu nó lại có thể là biểu tượng đại diện cho kiến trúc Việt Nam của những tháng năm này. 100 năm sau, bản sắc kiến trúc lại có thể khác nữa...  

Có ý kiến cho rằng vừa qua kiến trúc nông thôn chưa được chú ý đúng mức, ông có nghĩ như vậy?

Đúng là công tác cấp phép xây dựng ở nông thôn chưa được quy định trong pháp luật xây dựng. Mặc dù, như vậy tạo thuận tiện cho người dân ở nơi đây, phù hợp với trình độ phát triển và quản lý nhưng cũng rất dễ dẫn đến sự tuỳ tiện. Đã đến lúc, có thể là hơi muộn, phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Ở nhiều vùng nông thôn, kiến trúc, cảnh quan đã và đang bị phá vỡ, đặc biệt kiến trúc nhà ở các khu vực giáp ranh đô thị, dường như đang bị “đô thị hoá cưỡng bức”, không còn giữ được dấu ấn kiến trúc của nông thôn Việt Nam trong quá trình phát triển.
Chỉ quản lý hành nghề kiến trúc là không đủ ​ ảnh 3 Vật liệu địa phương trong kiến trúc bản địa. Ảnh: IT
Một trong những yếu tố làm nên bản sắc kiến trúc mà ông vừa nhắc đến là sử dụng vật liệu địa phương. Nhưng để làm được điều này phải có một hệ sinh thái thích hợp. Chẳng hạn phải có những quy định về vật liệu không nung, quy trình kỹ thuật cho vật liệu không nung, hay phát triển vùng nguyên liệu tự nhiên như: tre, trúc, nứa lá…

Ông cha ta đã sử dụng các loại vật liệu địa phương, vật liệu thân thiện trong kiến trúc công trình từ rất lâu. Tranh, tre, nứa, lá làm khung, làm mái, vật liệu nung xây tường, trình tường bằng đất, tường xây bằng đất đá ong, hàng rào đá xếp… trên khắp cả nước ta là những minh chứng hết sức sinh động cho việc sử dụng vật liệu địa phương.

Sử dụng những vật liệu này vừa kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường vừa gần gũi với con người, tạo nên những giá trị đặc sắc về mỹ thuật cho không gian sống. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên dùng làm vật liệu xây dựng ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Do đó, tìm kiếm các loại vật liệu thay thế có ý nghĩa quan trọng. Gạch không nung, gỗ nhân tạo, tre nứa xử lý bằng công nghệ cao… đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, thẩm mỹ đã và đang có mặt ở nhiều kiến trúc công trình, cảnh quan.

Đúng là còn có nhiều rào cản để phát triển và sử dụng các loại vật liệu thay thế này rộng rãi hơn và cần có hệ sinh thái thích hợp đối với vật liệu thay thế để nó lớn mạnh. Một hệ sinh thái như thế không tự nhiên mà có. Chúng ta phải có những công cụ hành chính, kinh tế, kỹ thuật, cơ chế vận hành, tương tác để hỗ trợ, kích thích, đảm bảo lợi ích của các thành phần trong hệ thống đó phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục