Chi hội khuyến học trong nhà trường: Chuyển động còn chậm

Năm 2007, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Từ đó đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện, nhưng nhiều trường học vẫn chưa thành lập chi hội khuyến học, ý thức xây dựng xã hội học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế. Vì sao?

Hạn chế công tác tuyên truyền 

Sáng 12-9, tại hội nghị “Vai trò của chi hội khuyến học trường học trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng các mô hình học tập” do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Hội Khuyến học TPHCM tổ chức, bà Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Bình Thạnh, cho biết: “Công tác khuyến học, khuyến tài ở các địa phương hiện nay chủ yếu do đội ngũ cán bộ ngành giáo dục đã về hưu đảm trách. Trong khi đó, Sở GD-ĐT chưa xác định việc thành lập chi hội khuyến học trường học là một trong những nhiệm vụ chính trị của cơ sở, không có kiểm tra, đánh giá và xếp loại thi đua hàng năm nên thiếu sức tác động đến cơ sở”. Từ thực tế này, bà Mai lo lắng TPHCM sẽ khó thực hiện thành công chủ trương xây dựng các mô hình “Thành phố học tập”, “Xã hội học tập” theo Chỉ thị số 04-CT/TU của Thành ủy. 

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, do chưa được tuyên truyền và hiểu đúng về vai trò, nhiệm vụ của chi hội khuyến học trường học, nên ở nhiều đơn vị trường học hiện có sự nhập nhèm trong tổ chức vận động quỹ khuyến học.

Chi hội khuyến học trong nhà trường: Chuyển động còn chậm ảnh 1 Chi hội khuyến học Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) trao quà cho học sinh nghèo
Theo đó, chi hội khuyến học trường học trực thuộc hội khuyến học quận, huyện là tổ chức có tư cách pháp nhân, có quyền vận động và thu, chi theo đúng quy định của Nhà nước.

“Nếu trường nào sử dụng quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh để chi cho công tác khuyến học là vi phạm Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD-ĐT quy định”, ông Thanh cho biết. 

Ngoài ra, theo bà Lê Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, trong đợt tổ chức sinh hoạt chính trị hè năm 2018 mới đây, ban tuyên giáo các quận, huyện đã đồng loạt chỉ đạo phòng GD-ĐT phối hợp với hội khuyến học quận, huyện tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên khối trường học (từ tiểu học đến THPT) về công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

“Dù nhận được sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhưng đây là lần đầu tiên các thầy cô được tập huấn; nhiều văn bản, khái niệm lần đầu tiên được tiếp cận. Như vậy là quá chậm so với thời điểm ban hành chỉ thị của Bộ Chính trị”, đại diện Hội Khuyến học TP bày tỏ. 

Thiếu gắn kết với địa phương

Là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng chi hội khuyến học trường học từ năm 2002, ông Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi), cho biết sau gần 16 năm hoạt động, chi hội khuyến học nhà trường đã vận động và xây dựng 43 nhà tình thương tặng học sinh nghèo, cấp học bổng cho gần 4.000 lượt học sinh với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, phát động hàng loạt phong trào như “Tiếp sức đến trường”, “Cùng bạn vui xuân”…

"Hiện nay có 3 loại quỹ thu tự nguyện trong trường học, gồm quỹ của ban đại diện cha mẹ học sinh, quỹ tài trợ trường học và quỹ chi hội khuyến học. Riêng với quỹ chi hội khuyến học, do trực thuộc hội khuyến học địa phương nên các trường không được tổ chức vận động trên danh nghĩa hiệu trưởng, không được sử dụng con dấu của trường trong các hoạt động thu, chi và phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định hoạt động khuyến học các cấp".  

Ông LÊ DUY TÂN, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TPHCM

Đánh giá về những kết quả đã đạt được, ông Nguyễn Văn Cải cho biết, công tác khuyến học là việc làm cần thiết đối với nhà trường trong việc hỗ trợ, khuyến khích tài năng trẻ, đặc biệt giúp đỡ kịp thời các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để không một học sinh nào phải bỏ học vì nghèo khó. 

Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Trúc Bạch, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM, vai trò, trách nhiệm của chi hội khuyến học trường học ngoài việc giúp học sinh nghèo vượt khó, vận động các nguồn lực xây dựng quỹ khuyến học, đi đầu trong việc xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Đơn vị học tập” còn có trách nhiệm gắn kết hoạt động với địa phương nơi trường trú đóng.

Đồng quan điểm, bà Lê Thị Vuôn, Chủ tịch Hội Khuyến học quận 6, cho biết chi hội khuyến học trường học nếu gắn kết tốt với hội khuyến học ở địa phương thì sẽ chăm lo tốt hơn cho các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò của các trung tâm học tập cộng đồng. 

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng chăm lo khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập không chỉ là nhiệm vụ của hội khuyến học, ngành giáo dục mà là nhiệm vụ chung của cả xã hội.

Đại diện Sở GD-ĐT cho biết sắp tới sẽ chỉ đạo các trường học đưa nội dung khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập vào buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, đảm bảo công tác tuyên truyền đến từng gia đình, từng cha mẹ học sinh.

Từ đó, mỗi phụ huynh sẽ trở thành một hạt nhân tuyên truyền, đồng thời là nhân tố nòng cốt xây dựng gia đình học tập, xã hội học tập theo đúng chủ trương của UBND TPHCM.

Tin cùng chuyên mục