Chen chân vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản

Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh vào Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp (DN) trong nước. Hiện có hơn 1.600 DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam; trong đó, có tới gần 70% DN cho biết sẽ mở rộng đầu tư, kinh doanh trong khoảng 1-2 năm tới.

Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tìm kiếm đối tác của DN Nhật Bản tại Việt Nam đang tăng lên và đó chính là cơ hội dành cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nhiều DN Việt Nam đủ năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng của DN Nhật Bản.

Mặc dù nhu cầu hợp tác rất lớn, các DN sản xuất của Nhật Bản cũng mong muốn mua được nhiều nguyên liệu, linh kiện nội địa của Việt Nam nhưng hiện nay năng lực cung ứng và chất lượng nhân sự, hàng hóa của Việt Nam là 2 vấn đề lớn nhất đối với DN Nhật Bản.

Các DN Nhật Bản chia sẻ, họ ưu tiên việc thu mua nguyên liệu, linh kiện và sử dụng nhân công tại Việt Nam vì đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để cắt giảm giá thành và rút ngắn thời gian giao hàng, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tại Việt Nam, ảnh hưởng của chi phí nhân công không quá lớn nhưng việc cắt giảm chi phí nguyên vật liệu là khó khăn lớn. Song trên thực tế, các DN sản xuất của Nhật Bản chỉ mua được khoảng 1/3 số nguyên vật liệu tại Việt Nam, nhưng chủ yếu cũng là của DN Nhật Bản hoặc các DN FDI tại Việt Nam, còn tỷ lệ nguyên liệu, linh kiện được sản xuất bởi DN thuần Việt còn thấp hơn rất nhiều.

Theo quan điểm mua hàng của các DN Nhật Bản, giá rẻ không phải ưu tiên lớn nhất, thay vào đó tỷ lệ hàng đạt chất lượng 100% là điều kiện  hàng đầu. Bên cạnh đó, việc tuân thủ kỳ hạn giao hàng, tính minh bạch trong các quan hệ hợp tác là rất quan trọng.

Ông Tsuyoshi Shimizu, chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết, lý do mà các DN Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh xuất phát từ dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực, làm tăng khả năng nâng cao doanh thu, mức tăng trưởng của DN.

Trong xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam, ngoài thương mại thì sản xuất là lĩnh vực được ưu tiên. Do đó, muốn nâng cao cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị của DN Nhật Bản, Việt Nam cần có thêm nhiều DN sản xuất nguyên vật liệu, linh kiện, máy móc, có đủ năng lực đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín để hợp tác bền vững.

Một số sản phẩm như thép, đồng, nhôm, nhựa  nguyên liệu; máy móc gia công tạo hình, dập, đúc, xử lý bề mặt, linh kiện điện tử... là những mặt hàng mà Việt Nam nên đầu tư sản xuất trong thời gian tới. Các chuyên gia Nhật Bản cũng thẳng thắn chia sẻ, DN Việt Nam muốn hợp tác với DN Nhật Bản nên có chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Bởi các DN Nhật Bản rất thận trọng trong việc tiếp nhận nhà cung ứng mới, nhưng khi đã tạo được sự tin tưởng họ sẽ hợp tác lâu dài và tạo điều kiện để đối tác phát triển.

Có thể thấy rằng, xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng để có thể hợp tác bền vững và trở thành đối tác đáng tin cậy không chỉ của DN Nhật Bản mà còn nhiều đối tác khác thì việc đẩy mạnh thay đổi, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng nguồn nhân lực... cần phải được các DN Việt Nam chú trọng đầu tư.

Đồng thời, một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là kết nối các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia và các DN đối tác toàn cầu.

Về phía các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ vốn, đất để đầu tư nhà xưởng phù hợp với quy trình sản xuất của DN, tạo điều kiện cho DN tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục