Chế tài hành vi trộm cắp, phá hoại cây cảnh

Tối 21-1, hàng trăm cây đào của một người dân khu phố Tỉnh Cầu (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) bị chặt phá. Pháp luật nước ta quy định chế tài thế nào đối với hành vi phá hoại cây cảnh?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, “tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Trong trường hợp này, cây cảnh có thể được xem là tài sản, vì cây cảnh là vật có giá, có thể trao đổi, định giá theo thị trường.

Chính vì lẽ đó, các hành vi trộm cắp, phá hoại cây cảnh có thể bị xử lý vi phạm hành chính và còn phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra theo quy định của pháp luật dân sự. Hơn thế nữa, các hành vi này còn có thể cấu thành các tội hình sự như: tội trộm cắp tài sản căn cứ quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, căn cứ quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

Mức hình phạt cao là thế, nhưng thực tế vẫn không thiếu những kẻ tham lam rình rập lấy trộm từng chậu cây cảnh của hàng xóm, hoặc vì mâu thuẫn cá nhân mà ra tay phá hoại toàn bộ vườn cây cảnh của người khác. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó có thể bởi vì các cá nhân thực hiện những hành vi vi phạm không nhận thức đầy đủ về mức độ vi phạm mà hành vi gây ra, tâm lý xem đó chỉ “cái cây cỏn con” làm cho họ không biết được rằng họ đang phạm tội trộm cắp, phá hoại tài sản của người khác.

Bên cạnh đó, sẽ rất khó để cơ quan chức năng tìm kiếm được tài sản bị trộm cắp, vì không có cơ sở để nhận diện đâu là cây cảnh đã bị mất cắp, mà chỉ có người chủ của cây cảnh mới có thể khẳng định được đâu là cây cảnh của họ. Nhưng việc khẳng định chỉ bằng miệng và cũng thiếu rất nhiều chứng cứ vững chắc để chứng minh.

Ngoài ra, việc định giá các cây cảnh bị trộm cắp, bị phá hoại cũng khá khó khăn, vì giá trị cây cảnh bị thiệt hại phụ thuộc rất nhiều vào giá thị trường tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mà không có mức giá cụ thể, chi tiết, có thể làm nguồn xác đáng để tham khảo. Trong khi đó, giá trị tài sản bị thiệt hại lại là căn cứ để xác định mức độ vi phạm và mức hình phạt tương ứng theo quy định pháp luật.

Để hạn chế tình trạng trộm cắp, phá hoại cây cảnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tích cực tuyên truyền hơn nữa các quy định pháp luật liên quan đến những hành vi vi phạm, kêu gọi người dân tuân thủ quy định pháp luật. Việc tuyên truyền cần được thực hiện rộng rãi đến vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều người dân trồng để kinh doanh mặt hàng cây cảnh. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải có cơ chế quản lý về giá đối với mặt hàng cây cảnh, tạo điều kiện cho việc xác định giá trị tài sản thiệt hại.

Người dân trồng, kinh doanh mặt hàng cây cảnh cần có các biện pháp đánh dấu, nhận diện các sản phẩm của mình, nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động điều tra, tìm kiếm của cơ quan chức năng trong trường hợp cây cảnh bị trộm cắp. Khi xảy ra việc trộm cắp, phá hoại cây cảnh, người bị hại cần nhanh chóng liên hệ cơ quan chức năng để có thể nhanh chóng tìm kiếm, thu hồi tài sản cũng như xử lý các đối tượng vi phạm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Tin cùng chuyên mục