Chế độ với người hoạt động kháng chiến

Sau khi có quyết định công nhận và trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ cấp Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
* Tôi tham gia cách mạng từ năm 1952, cả trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng bị địch bắt tù đày. Năm 2016, tôi được nhận 960.000 đồng ở quê là tỉnh Hải Dương chi trả. Vậy trường hợp của tôi được hưởng chính sách như thế nào?
Ông BÙI KIM CƯƠNG
(quận Bình Tân, TPHCM)
- Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Theo như trình bày, ông Bùi Kim Cương thuộc đối tượng “Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế” theo Điều 30, và hưởng chế độ chính sách theo Điều 31 Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Chế độ được hưởng như sau: Trợ cấp một lần, mức trợ cấp 120.000 đồng/năm tham gia kháng chiến, tính từ năm bắt đầu tham gia kháng chiến đến tháng 7-1954 (chống Pháp), hoặc đến ngày 30-4-1975 (chống Mỹ); được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; khi từ trần, thân nhân hoặc người tổ chức mai táng của người hoạt động kháng chiến được nhận tiền mai táng phí (nếu không thuộc diện hưởng trợ cấp của bảo hiểm xã hội). Ông đã được giải quyết trợ cấp một lần thời kỳ chống Pháp 960.000 đồng (tương ứng với 8 năm tham gia kháng chiến) tại nơi thường trú cũ tỉnh Hải Dương. Nếu chưa được giải quyết trợ cấp thời gian chống Mỹ và chưa được phát bảo hiểm y tế, đề nghị ông Cương liên hệ chuyên trách thương binh - xã hội ở phường/xã nơi có hộ khẩu thường trú, để được hướng dẫn lập hồ sơ hưởng chế độ chính sách theo quy định.
Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 31/2013, để được công nhận và hưởng trợ cấp chế độ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người đề nghị cần cung cấp bản sao giấy tờ chứng minh có tham gia cách mạng hoặc tham gia kháng chiến, và thời gian, địa điểm bị tù đày theo một trong các loại giấy tờ sau đây: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân, lý lịch công an nhân dân (được lập trước ngày 1-1-1995); hoặc hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; hoặc hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; hoặc xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Nếu ông có một trong các loại giấy tờ nêu trên, đề nghị ông liên hệ bộ phận thương binh - xã hội của phường/xã hoặc phòng LĐTB-XH quận/huyện nơi cư trú để được hướng dẫn khai lập hồ sơ giải quyết chế độ chính sách.
Sau khi có quyết định công nhận và trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ cấp Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Tin cùng chuyên mục