Cháy nổ trong khu dân cư, ai chịu trách nhiệm?

Phát biểu trong một tọa đàm về phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư do Báo CAND tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thượng tá Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, cho biết chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2017, cả nước đã xảy ra 3.089 vụ cháy; trong đó có 968 vụ cháy ở các hộ gia đình, làm chết 65 người, bị thương 105 người.
Theo Thượng tá Việt, tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Từ đó cho thấy, tình hình cháy nổ ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ, trên 50% và thiệt hại về người, tài sản là 83%. Các vụ cháy nhỏ lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người. Các vụ cháy lớn gây thiệt hại về tài sản.

Ngoài nỗi đau mất mát về sinh mạng, nhiều tỷ đồng cũng đã tan thành tro bụi sau mỗi lần xảy ra cháy nổ. Hệ lụy của những vụ cháy cũng kéo dài, khó phục hồi. Vì thế, phòng ngừa cháy nổ trong các khu dân cư đang trở nên ngày càng bức thiết và cần nhận được sự quan tâm đúng mức hơn của các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức của người dân đô thị.

Một điều đáng chú ý khác, nếu xảy ra cháy nổ gây thiệt hại cho các gia đình khác trong khu dân cư thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Theo Điều 58 Luật PCCC năm 2001, khi xảy ra cháy, nổ trách nhiệm chuyên ngành sẽ thuộc về cơ quan Cảnh sát PCCC. UBND các cấp chịu trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước trên địa bàn. Trong đó, trách nhiệm lớn nhất thuộc về chính quyền địa phương. Còn người chịu trách nhiệm trực tiếp là chủ cơ sở, người gây ra cháy nổ. Việc xác định người chịu trách nhiệm để xảy ra cháy nổ phải căn cứ trên kết quả điều tra nguyên nhân vụ cháy của cơ quan có thẩm quyền.

Tùy vào mức độ thiệt hại do cháy nổ gây ra, người nào vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy nổ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 48 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu vi phạm quy định an toàn về PCCC để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, người nào vi phạm quy định về PCCC để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản của người khác thì phải đền bù thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự.

Về vấn đề công trình dân sự là nhà dân tuy cháy nhiều nhất nhưng khi cấp giấy phép xây dựng, Luật Nhà ở không quy định các điều kiện và quy chuẩn về PCCC như đối với các dự án đầu tư. Tại Việt Nam, hiện có 20 triệu hộ gia đình với hơn 200.000 công trình được cấp phép xây dựng mới hàng năm. Tuy nhiên, lượng công trình thuộc diện tổng duyệt về PCCC chỉ chiếm chưa đầy 4%. Đa số loại hình nhà này không thuộc diện đối tượng kiểm tra về an toàn PCCC căn cứ theo Điều 15 Nghị định 79 ngày 31-7-2014. Bởi vậy, cơ quan chức năng không tiến hành tiền kiểm về an toàn PCCC của các loại hình công trình này mà chỉ tham gia hậu kiểm.

Hiện nay, theo Nghị định 79, cơ quan cảnh sát về PCCC chỉ tiến hành thẩm duyệt an toàn PCCC đối với các khu dân cư mới được xây dựng. Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC sẽ thẩm duyệt an toàn PCCC về hạ tầng cơ sở; qua đó, đối chiếu các yếu tố như hệ thống cấp nước chữa cháy, đường giao thông…

Đối với khu công trình riêng lẻ vẫn chưa có quy chuẩn về PCCC, mới chỉ có các quy định về trách nhiệm của chủ hộ gia đình về an toàn PCCC. Bên cạnh đó, các công trình liền kề có diện tích nhỏ và kết hợp kinh doanh cũng đang cho thấy tình trạng bất cập. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm ban hành các văn bản nhằm nâng cao tiêu chí an toàn đối với các công trình loại này.

Tin cùng chuyên mục