Cháy nổ diễn biến phức tạp ở Bình Tân

Tình hình cháy nổ tại quận Bình Tân (TPHCM) đã và đang diễn biến rất phức tạp nhưng công tác quản lý địa bàn, giải pháp ngăn chặn hiện nay của chính quyền địa phương, ngành chức năng vẫn chưa hiệu quả. Các vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của cơ sở, doanh nghiệp, người dân vẫn diễn ra tràn lan, đẩy nguy cơ cháy nổ lên mức báo động!

 

Vụ cháy kho chứa vải tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân
Vụ cháy kho chứa vải tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân
Dẫn đầu số vụ cháy ở TP

Khoảng 0 giờ 30 ngày 12-3, tại căn nhà số 1686 đường tỉnh lộ 10, khu phố 1, phường Tân Tạo (quận Bình Tân) xảy ra vũ cháy lớn. Căn nhà được chủ sử dụng làm trại kinh doanh hòm; đồng thời cho công nhân thuê ở phần gác lửng phía sau, bên trong nhà chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên khi xảy ra hỏa hoạn lửa rất lan nhanh. Thời điểm xảy ra cháy trong nhà có 4 người đang ngủ và bị mắc kẹt trong đám cháy. 

Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân điều động 72 cán bộ, chiến sĩ cùng 11 xe chữa cháy tiếp cận hiện trường, triển khai các phương án chữa cháy, cứu nạn. Sau hơn 30 phút, đám cháy được dập tắt. Tuy nhiên, 4 người trong nhà đã tử vong, 3 xe máy cùng phần gác của nhà bị cháy rụi. 

Đây là 1 trong số 4 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng tại quận Bình Tân từ đầu năm 2017 đến nay. 
  
9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn quận Bình Tân xảy ra  67 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 6 người, thiệt hại tài sản hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, còn xảy ra 1 vụ nổ, làm bị thương 4 người. Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2016, số người chết tăng 100%, số người bị thương tăng 50%. Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, quận Bình Tân là địa bàn xảy ra cháy và thiệt hại về người nhiều nhất trong số các quận huyện của thành phố tính từ đầu năm 2017 đến nay. Qua phân tích, đánh giá từ các vụ cháy ở quận Bình Tân cho thấy, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến cháy nổ nhiều: vi phạm các quy định trong sử dụng điện (58,2%) và bất cẩn trong sinh hoạt (16%); đối tượng xảy ra cháy nhiều là công ty, nhà dân, hộ kinh doanh. 

Nhiều tồn tại, vi phạm

UBND quận Bình Tân cho biết, thời gian qua chính quyền địa phương đã chỉ đạo các phòng ban trực thuộc, đơn vị chức năng liên quan; trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC quận giữ vai trò nòng cốt, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp trong PCCC như: tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm; đầu tư, nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ; phổ biến, tuyên truyền kiến thức PCCC, kỹ năng thoát nạn cho người dân, chủ cơ sở, công nhân lao động… Tuy nhiên, trên thực tế, công tác PCCC vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, nguy cơ cháy nổ trên địa bàn vẫn gia tăng.

Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật về PCCC trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân, chủ doanh nghiệp, người lao động… rất phổ biến. Từ đầu năm 2017 đến nay, tại quận Bình Tân có hơn 1.000 trường hợp công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, bến xe, bệnh viện… vi phạm các quy định về PCCC được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đây là còn số được phát hiện trong các đợt kiểm tra của cảnh sát PCCC và các đơn vị liên quan, trên thực tế con số vi phạm còn nhiều hơn. 

Đáng lưu ý, nhiều công ty, cơ sở sản xuất bất chấp pháp luật, nguy hiểm có thể xảy ra, liên tục tái phạm, vi phạm nhiều lần các lỗi về PCCC. Đơn cử như Công ty Pouyuen (phường Tân Tạo A). Công ty này hiện có hơn 90.000 công nhân làm việc, hoạt động sản xuất sử dụng nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguyên liệu dễ cháy, nhưng tại đây thường xuyên tồn tại nhiều lỗi vi phạm về PCCC, thoát nạn như khi chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng; không đảm bảo điều kiện thoát nạn; không vệ sinh công nghiệp, phương tiện PCCC không đảm bảo…   

Hiện tại quận Bình Tân có 37.900 doanh nghiệp, hộ kinh doanh các mặt hàng có nguy hiểm về cháy nổ như: dung môi, hóa chất, gas, xăng dầu, đồ gỗ, nhựa, nhà trọ công nhân… nhưng công tác quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm về PCCC đối với các nơi này có lúc chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, hệ thống trụ nước chữa cháy còn thiếu so với yêu cầu thực tế; máy bơm hỏng, lưu lượng nước yếu, máy phát điện hư thường xuyên diễn ra. 

Thực tế trên cho thấy, tình hình cháy nổ tại quận Bình Tân đã và đang diễn biến phức tạp, thiết nghĩ chính quyền địa phương, ngành chức năng cần có các giải pháp PCCC căn cơ, hiệu quả hơn để ngăn chặn vi phạm phát sinh, tồn tại, kéo giảm cháy nổ xảy ra, nhất là cháy lớn hậu quả nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục