Chảy máu chất xám và du nhập lao động thấp

Trong nhiều năm qua, câu chuyện “chảy máu chất xám”, người có năng lực và được đầu tư học hành, các chuyên gia được trang bị tay nghề - kỹ năng cao luôn có xu hướng muốn ra nước ngoài làm việc hoặc đầu quân cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với chính sách đãi ngộ cao… đã được chúng ta nhắc đi nhắc lại như một nỗi lo lớn về bài toán sử dụng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, tại hội thảo về thực trạng và dự báo nguồn nhân lực Việt Nam sau khi gia nhập Cộng đồng ASEAN (bắt đầu được thiết lập kể từ ngày 31-12-2015 vừa qua, gọi tắt là AEC), nhiều chuyên gia và đại diện các cơ quan quản lý lao động đều phải thừa nhận một xu thế: tình trạng “chảy máu chất xám” có thể gia tăng mạnh hơn khi AEC có hiệu lực, các cam kết về 8 nghề (và có thể sau này còn bổ sung thêm nữa) cho phép các lao động có tay nghề và kỹ thuật cao được phép dịch chuyển tự do giữa các nước trong cộng đồng.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, AEC thực sự là một cơ hội vàng cho những người tài tìm được những việc làm phù hợp sở trường và có điều kiện cũng như thu nhập thỏa đáng, đồng thời doanh nghiệp cũng tiếp cận được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhưng các lao động luôn có xu hướng tìm tới những thị trường màu mỡ hơn. Mà hiện tại, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Thái Lan… đang được coi là những mảnh đất hứa trong thị trường lao động khu vực. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ hình thành những dòng chảy lao động có tay nghề và chất lượng đổ dồn về những thị trường tiềm năng.

Khi nạn chảy máu chất xám xảy ra, các doanh nghiệp trong nước chắc chắn sẽ phải đối mặt với nỗi lo “mất người tài”, “lao động giỏi” và kéo theo hàng loạt hệ lụy như giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, tốn thêm chi phí cho công tác tuyển dụng, đào tạo lại… Mặc dù theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, số lao động thuộc 8 nghề mà các nước trong AEC cam kết thừa nhận lẫn nhau, cho phép dịch chuyển tự do chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng số lao động nhưng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lại đưa ra số liệu khảo sát cho biết, nhu cầu đầu tư và nhân lực trong khu vực ASEAN đang gia tăng nhanh. Năm 2014, gần 50% doanh nghiệp trong khu vực ASEAN có nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề ở nhiều lĩnh vực.

Thêm một điều nữa để nói là không phải AEC sẽ mang lại cơ hội vàng cho tất cả lao động Việt Nam. Bởi hiện nay chúng ta có 53 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng năng suất lao động Việt Nam theo khảo sát của ILO và các tổ chức việc làm thì chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan, 1/18 so với Singapore. Về chất lượng nhân sự, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á.

Nhưng các chuyên gia còn lo lắng rằng, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đối mặt với xu thế “người tài xuất ngoại” hoặc “đầu quân cho nước ngoài” mà Việt Nam sẽ trở thành bãi đáp của lao động nước ngoài chất lượng kém khi chúng ta thiếu lao động, chính sách quản lý chưa chặt chẽ. Theo đề nghị của đại diện Bộ LĐTB-XH, phụ trách hoạt động đào tạo và quản lý nguồn nhân lực, để hạn chế nguy cơ Việt Nam trở thành bến đậu của lao động trình độ thấp, lao động phổ thông… cần thiết phải bổ sung và thực thi các chính sách về quản lý lao động nước ngoài cũng như chất lượng nhân lực, tăng cường vai trò quản lý và phân định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc rà soát, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp cứng, còn để đảm bảo mục tiêu cạnh tranh và phát triển bền vững, đòi hỏi phải phát triển đồng bộ về hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, thực hiện tốt các chính sách về tiền lương... để thực sự ngăn chặn chảy máu chất xám, đồng thời trải thảm thu hút nhân tài, chuyên gia nước ngoài.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đảm bảo mức lương và thưởng cạnh tranh chưa đủ, để lao động gắn bó lâu dài, điều quan trọng hơn là phải đảm bảo môi trường làm việc, chế độ phúc lợi và cơ hội thăng tiến. Đây là chìa khóa để thu hút người tài và hạn chế nạn “chảy máu chất xám”. Mặt khác, ngành giáo dục và đào tạo nhân lực cần điều chỉnh lại cơ cấu giáo dục, dạy nghề sát thị trường, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo theo hướng gắn kết doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng để đáp ứng nhu cầu cao của doanh nghiệp, chấm dứt cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia về nhân lực.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục